"Cải tiến" Chữ Quốc Ngữ

PGS.TS. Bùi Hiền. Ảnh: internet.
VỀ CẢI TIẾN CHỮ QUỐC NGỮ
(Chu Mộng Long)

Ba ngày nay tôi bận công tác tận biên giới Việt - Cam, không theo dõi mạng được. Trước đó tôi đã thấy một bạn share bài viết của PGS.TS. Bùi Hiền, tôi chỉ cười vì... không lạ.

Trong Hội thảo Ngôn ngữ ở Việt Nam - hội nhập và phát triển tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn, vào buổi sáng tại phiên thảo luận chung ở Hội trường 13, có một PGS hói đầu không được ban điều hành chọn báo cáo chính thức đã đứng lên phát biểu về việc cải tiến chữ quốc ngữ để hội nhập và phát triển. Lý do đúng như bài viết của ông Bùi Hiền. Tôi bật cười, vì đây không phải lần đầu tôi được nghe giới ngữ học ở Việt Nam đề xuất.

Buổi chiều, tại tiểu ban ở Hội trường 13, PGS.TS. Lê Đức Luận (ĐH Đà Nẵng) nhắc lại ý kiến của vị đại biểu buổi sáng về sự cấp thiết cải tiến chữ quốc ngữ “để hội nhập và phát triển”. Tôi không nhịn được nên đã đứng lên phản bác thẳng thừng. Tôi bảo đó là sự hồ đồ, thiếu hiểu biết của không ít “chuyên gia” ngôn ngữ học ở Việt Nam.

Một là, ngôn ngữ, dù là âm thanh hay chữ viết, đều là khế ước của cộng đồng, không cá nhân, thậm chí là nhóm người thiểu số nào, có thể áp đặt một cách duy ý chí. Đến mức quyền lực to như cụ Hồ cũng không thể áp đặt. Bằng chứng: cách viết gi thành j, c thành k, ph thành f, d thành z… của cụ thời đó cũng không ai học tập và làm theo. Ngay cả yêu cầu thuần Việt hóa từ Hán Việt như “nữ ca sĩ” thành “người hát gái”, “nhà hộ sinh” thành “xưởng đẻ”, “phi công” thành “giặc lái”… của cụ cũng chỉ là trò cho thiên hạ mua vui.

Hai là, vì ngôn ngữ là khế ước của cộng đồng và ký hiệu tồn tại có tính hệ thống, cho nên mọi sự thay đổi, dù nhỏ nhất, đều có thể gây rối loạn cả hệ thống và khó có thể được cộng đồng chấp nhận. Sự thực là chỉ thay mỗi y với i mà gần nửa thế kỷ nay vẫn không thống nhất được. Cho nên, đối với ngôn ngữ, một cải tiến dù hợp lý cũng có thể gây khó khăn trong giao tiếp, đặc biệt là tạo ra sự đứt gãy về tri thức và văn hóa. Đó là lý do, mọi nỗ lực của cha ông ta từ chữ Hán chuyển sang chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ như hiện nay phải trải qua hàng thế kỷ và phải trả giá rất đắt. Các văn bản chữ Hán và chữ Nôm cả ngàn năm của cha ông đã và đang trở thành kho tàng bí mật và mai một không thể cứu vãn. Sự thay thế chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ là tình thế bất đắc dĩ với nhu cầu thoát Hán triệt để để có được độc lập, nhu cầu đại chúng hóa giáo dục để nâng cao dân trí, kể cả nhu cầu hội nhập để phát triển.

Ba là, cũng vì tính quy ước và tính hệ thống, cho nên mọi thay đổi về âm lẫn chữ viết đều buộc phải diễn ra rất chậm, từng bước trong nội bộ của cộng đồng. Tính quy ước và tính hệ thống đã tạo nên một sự ràng buộc đến mức một cá nhân hay một nhóm người tham vọng thay đổi khác nào đứng ra thúc đẩy cả một cỗ máy khổng lồ. Để hình thành chữ viết như hiện nay, tiếng Việt (cũng như mọi thứ tiếng) phải chuyển dịch chậm chạp qua hàng thế kỷ bởi sự thỏa thuận chung chứ không do cá nhân hay một nhóm người nào áp đặt tức thời mà được.

Bốn là, chữ viết, dù là ghi âm cũng mang tính võ đoán, tức không có lý do gì cái chữ cái ấy lại ghi cho cái âm ấy. Kí tự vẫn luôn luôn là sự nhận diện của thị giác khác biệt với sự nhận diện thính giác. Cho nên, không chỉ tiếng Việt, đến tiếng Anh, tiếng Pháp với khả năng hội nhập toàn cầu mà vẫn có vô số từ viết một đằng đọc một nẻo. Nhân đây cũng nói luôn, việc báo Đảng chủ trương và duy trì phiên âm tên người nước ngoài là việc làm ngu xuẩn gây lú lẫn cho người đọc. Một cái tên Trump hay Obama, dù người đọc không biết tiếng Anh vẫn nhận diện ra các ông có tên ấy hơn là phải viết thành Trăm, Ô-ba-mơ chẳng ra ông gì.

Năm là, chữ viết có quy luật khác với tiếng nói. Trong lần tranh luận về vụ Từ điển Nguyễn Lân, tôi có viết: "GS. Nguyễn Huệ Chi và TS. Nghiêm Thúy Hằng đồng hóa chữ viết với phát âm, buộc phải chấp nhận âm thanh làm thay đổi chữ viết là nhầm lẫn nghiêm trọng, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Trong khi chữ viết và phát âm tồn tại độc lập và diễn ra theo quy luật khác nhau. Như trong bài viết về Differance, tôi đã nói, chữ viết không là cái ký sinh và phụ thuộc phát âm. Phát âm có thể lệch chuẩn theo xu hướng bình dân hóa, thổ ngữ hóa, thậm chí địa phương hóa, ngọng hóa… tràn lan, nhưng chữ viết luôn có xu hướng đòi hỏi được chuẩn hóa và thống nhất với tính quy ước rất cao. Đó là 2 quy trình ngược chiều. Hiện tượng Việt hóa Hán ngữ trong ngàn năm Bắc thuộc nằm trong quy luật này: giới nho học vẫn chuẩn hóa chữ viết và âm đọc, trong khi giới bình dân thì thổ ngữ hóa, nôm hóa âm đọc theo cách của họ dẫn đến các biến tấu: hợp chúng quốc = hợp chủng quốc, trú sở = trụ sở, ái tình = tình ái, tình yêu, sáp nhập = sát nhập… Đến khi được Latin hóa thì tất yếu phải ghi nhận âm đọc phổ thông theo hướng đã nôm hóa. Sự chấp nhận này vẫn được sàng lọc và chuẩn hóa bởi 1) Chấp nhận Latin hóa theo cách đọc phổ thông những hiện tượng phù hợp với ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa theo cảm thức và kinh nghiệm, kể cả thẩm mỹ của người Việt. Điều này diễn ra không chỉ đối với Hán ngữ mà ngay cả khi ta vay mượn tiếng Tây, 2) Chọn lựa cái tích cực và phổ biến, loại trừ cái tiêu cực và ít phổ biến để hướng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Trong sáng ở đây mang nghĩa là thông suốt trong giao tiếp.”

Việc đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ như Bùi Hiền và Lê Đức Luận là không theo quy luật nào.

Cuối cùng Lê Đức Luận vẫn cãi với cái lý: “Tại sao người Hán thay chữ phồn thể thành giản thể được mà người Việt ta lại không?” Chẳng lẽ tôi bảo ông ta đổi dòng máu Việt thành dòng máu Hán? Thực ra chữ Hán giản thể không phải chờ đến thời kỳ hiện đại mới có. Lối viết thảo của các nhà thư pháp đã là giản thể và có trước cả ngàn năm. Người rành phồn thể có thể đọc được giản thể và người học giản thể gặp khó khăn không đáng kể khi đọc chữ phồn thể. Nhưng cải tiến như đề xuất của Bùi Hiền và Lê Đức Luận thì coi chừng “em ôm chặt anh” viết thành “em ôm cặt anh” và ngược lại “Tiến sĩ dụ con nít” bị đọc thành “Tiến sĩ đụ con nít”!

Xem ra không một Bùi Hiền mà có cả Lê Đức Luận, không một Lê Đức Luận mà có cả Nghiêm Thúy Hằng… hiểu sai và chơi ngông chơi trội để móc dự án tiêu tiền. Nếu không thì là do mấy ngài giáo sư tiến sĩ ngữ học của ta hồi nhỏ từng bị phạt viết sai chính tả nên thù địch với chữ viết hiện hành!


(Bài viết của tác giả Xuân Nguyên)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...