Con cái chúng ta... kinh thật!

         Xin phép ngài Azit Nêxin, đành phải nói trẹo cái tựa sách “Con cái chúng ta giỏi thật” của Ngài, bởi lẽ qua kỳ thi vào các Trường đại học, ai mà có gan đọc cho đủ 16.000 bài thi văn mới thấy  “con cái chúng ta”... kinh thật. 
Trước tiên là vô vàn các lỗi chính tả hầu như khó mà kiếm được bài nào không có:” mùa suân, chiện ngắn,  Việt lam,  đoạn quối truyện.” Vậy nhưng đó là... chuyện nhỏ, trong cách dùng từ, “con cái chúng ta” còn... kinh hơn. Chẳng hạn:
       “Thân thể ông lái đò rất tráng lệ... (ý muốn nói “cường tráng”)
       “Cách dùng từ của Huy Cận rất thuần tuý  (ý muốn nói “tinh tuý”)
       “Những cánh đồng được phù sa bồi đắp sẽ trở nên phù du,màu mỡ (ý muốn nói “phì nhiêu”)
      “Trong giai đoạn này, ý chí người dân lên tới tuột đỉnh (ý muốn nói “tột đỉnh”)
      “Đoạn thơ thể hiện tâm trạng vui sướng, hí hửng của tác giả ( chắc là “hớn hở”)
      “Qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, em rất ngưỡng mộ những cuộc giao hữu của ông lái đò với sông Đà (“giao chiến” chăng?”
      “Nhan đề bài thơ “Tiếng hát con tàu” có ý nghĩa rất  sâu cay ( “sâu sắc” chứ?)
     hoặc:
       “Nguyễn Tuân là một nhà văn  cổ kính.
      “Đó là một cụm từ gợi cho ta nỗi buồn, nó bê tha đến nhường nào?
      “Ông lão có đôi chân dài quắc thước...”
      “Tây Bắc là nơi con tàu cất lên những tiếng hát. Áy vậy mà bài thơ “tiếng hát con tàu” ra đời..”
     Viết lách kiểu đó có thể “nhặt “ra vô vàn thí dụ trong hàng ngàn, hàng ngàn csc bài thi văn, khiến các thày chấm thi cứ ghi nhận xét mỏi tay. Nào là “Tư duy rối rắm”, nào là “không hiểu em viết cái gì”, nào là “rất lơ mơ về ngữ pháp”. Có thày đọc chưa hết bài thi đã chịu không nổi, phê ngay:” Thần kinh không bình thường”.
     Kiểu cách suy nghĩ của “con cái chúng ta” cũng không kém phần... kinh hoàng. Nó đầy tính cách “suy diễn” kiểu “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” là “cái bến cô Liêu thường đứng”:
      “Hình ảnh người lái đò sông Đà rất dữ dộihung bạo qua một thác nước thì phải có dữ đội vào tận tấm lòng con người từ lâu đến nay nói tới sông Đà nhớ ngay có Nguyễn Tuân vì Nhuyễn Tuân có lúc rất là hung bạo một mình ông cũng ngồi trên một chuyến đò để lái đò”
      “Nguyễn Tuân là một cây bút đa tài, ông là một tác phẩrm xuất sắc của văn chương, vì thế trong một con sông thì lúc nào cũng có sự hung bạo, nhưng đây ông đã miêu tả thật tài tình và phấn khởi...”
      Kiểu viết “tràng giang” liền tù tì cũng là một “sở trường” rất phổ biến trong viết lách của “con cái chúng ta”:
      “Trong nền văn học Việt Nam thì có rất nhiều nhà văn chúng ta được biết thì chúng ta không thể nói hết về nhà văn nhà thơ được Nguyễn Tuân là một nhà văn rất quen thuộc với bao cô cậu học trò cũng đang in rõ sâu trong lòng nhà thơ...”
       “Em thấy tuỳ bút của Nguyễn Tuân là một kiệt tác và được trợ giúp vào đó bởi ngòi bút của ông làm cho tác phẩm đã táo bạo rùng rợn ghê gớm và bây giờ lại hơn thế nữa...”
         Ngôn ngữ  “chính trị “  hàng ngày tràn ngập trên tivi, báo chí đã nhiễm vào đầu “con cái chúng ta” nên trong vô vàn bài thi, các thày bắt gặp:            
       “Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn đã đưa nhân vật ông lái đò ở vào một tình thế vô cùng gian lao khiến ông phải mò mẫm bận rộn hàng ngày với công việc lái đò.Vậy mà Nguyễn Tuân lại miêu tả ông lái đò rất lãng mạn mà không kém phần nguy hiểm vì thế cho nên ông không sợ mà còn phân bố của mình vào những chỗ nguy hiểm...”
      “Ong đã hoàn toàn chinh phục được nó, thà luồn luỵ rồi lãnh đạo thiên nhiên chứ không để thiên nhiên lãnh đạo con người...”
       “Bài thơ được ra đời là lúc nằm trong hoàn cảnh đang trên đà tài năng của Chế Lan Viên đang nở rộ đã làm nên “Tiếng hát con tàu” ngày một rạng rỡ...”
       “Chế Lan Viên là một nhà thơ xuyên suốt cuộc đời trong lãnh tụ của Đảng và nhân dân cũng như tất cả cán bộ...”
        Có  thể nói “con cái chúng ta” bị mớ “xác chữ lộn xộn và nghèo nàn” lây nhiễm qua sách báo, tivi... lôi chúng đi khiến chúng viết ra mà dường như chúng chẳng hiểu chúng đang... viết gì? “Vốn liếng” đã cạn cợt, ấy thế mà đôi khi lại ưỡn ẹo làm văn:
        “Mỗi khi nghe tiếng sóng dữ dội đập vào bờ biển đầy rẫy những hòn đá là em lại chợt rùng mình trong lòng như tê tái có một điều gì đó làm em lo sợ. Đúng rồi, đó là tiếng sóng dữ dội mà ông lái đò từng trải qua mà em đã từng được học rên lớp...”
        Nếu như đúng như lời các lãnh tụ văn nghệ thường dạy dỗ:” văn là người” thì qua cái thứ văn như đã trích dẫn trên đây, “con cái chúng ta” chẳng biết chúng thuộc loại người nào? Có một điều chắc chắn: đó toàn là các cô tú, cậu tú vừa mới lĩnh bằng tốt nghiệp còn thơm mùi mực mới.
        Tại sao vậy?
       Đi cho đến tận cùng của nguồn cơn chắc là phải qua 10 cái Hội nghị toàn quốc các giáo sư, tiến sĩ lỗi lạc nhất nước để bàn về “con cái chúng ta” cần học văn như thế nào?
        Tuy nhiên, chỉ liếc qua cái “môi trường ô nhiễm” của ngôn ngữ mà các “con cái chúng ta “hàng ngày hít thở thì cũng hiểu được phần nào vì sao chúng viết lách “thấp kém” và “rối rắm”  đến như vậy?
       Trên báo Công an TP HCM số ra ngày 5-8-2003, có đăng một tin ngắn làm... bật ngửa cả người lớn huống hồ con nít. Sau khi kể chuyện một chàng con rể vì xích mích với bên vợ đã mang 2 trái mìn tự tạo quăng hết vào  nhà vợ. Báo viết:” Có con rể như hắn, chắc cha mẹ vợ sớm bị đau tim, đó là chưa kể... street...”. Hi hi... chắc nhà báo ám chỉ “stress” đây, khổ vậy. Còn trong bộ tranh truyện “Trạng Quỳnh” giành cho thiếu nhi của NXB Đồng Nai vừa mới cho ra lò trong tháng 8-2003 này, cứ mỗi tập lại có một “bài thơ” răn dậy con nít đến là dzui dzẻ.
          Trong tập 1 có bài:
                 “Bồ người mái tóc mượt mà
                  Bồ tui... sư tử như là... con ma...
                  Bồ người áo trắng thướt tha
                 Bồ tui váy ngắn, áo da theo thời...”
      Ui chao ôi, con nít hỉ mũi chưa sạch sao lại đưa cho chúng đọc những vần thơ bồ bịch, váy ngắn áo da như thế? Chưa hết, trong tập 2 lại có bài:
                “Con gái thường hay mủi lòng
                  Khi chàng nghĩa hiệp tiếp liền mời ăn
                  Con gái không thích ăn năn
                 Khi tiền trong túi như khăn cộm dày...”
         Tập 3 dạy “các cháu” “kinh nghiệm” về người con gái:
                 “Con gái dễ ghét dễ quên
                 Dễ vui, dễ giận, dễ liều, dễ ghen
                Con gái là chúa làm duyên
                 Môi son má phấn mắt huyền, dễ xinh...”
         Rồi thì xui các cháu bôi bác:
                 “Con gái là chúa yêu suông
                 Hẹn người ta đến rồi chuồn mất tiêu
                  Con gái là chúa dở hơi
                 Hở ra một chút mở lời phát thanh...”
       Sau khi “hạ bệ” thần tượng “con gái”, bộ sách dạy các cháu “lỡm” cả bài thơ “Chạy giặc” nổi tiếng của cụ Đồ Chiểu:
                 Chạy... chó
        Tới cổng vừa nghe tiếng đứt dây
        Một đàn chó dữ xổ ra ngay
        Bỏ giầy mấy gã lơ xơ chạy
       Vứt dép vài thằng dáo dác bay
        Sợ chi trời lạnh “ùm” xuống nước
       Trèo cao quá tải gãy cành cây
       Hỏi chi cô chủ đi đâu vắng
       Nỡ để anh em mắc nạn này...”
   Than ôi cứ ngày này qua tháng khác, từ tuổi còn bám váy mẹ, “con cái chúng ta” cứ được xơi những món ăn tinh thần “bổ dưỡng” như vậy, trách gì khi đi thi, chúng chẳng làm bài “dở hơi” đến thế, trách gì theo tổng kết kỳ thi vào đại học của Bộ giáo dục đào tạo: trong một phòng thi môn sử có 32 thí sinh, tổng số điểm... chỉ có 64 điểm, tức  chia đều cho cả phòng mỗi em được... một con ngỗng.
   
    NT




(Bài viết của tác giả Nhật Tuấn)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...