Đánh đánh – đàm đàm, giương Đông kích Tây Tiểu xảo ngoại giao cổ truyền của đại Trung Hoa

Nguyễn Trung
Giữa lúc dư luận thế giới quan tâm và lên tiếng mạnh mẽ phê phán Trung Quốc chung quanh sự kiện giàn khoan HD 981 cắm sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dư luận thế giới cũng không quên cảnh báo việc Trung Quốc đang ráo riết tiếp tục thực hiện các dự án có trị giá nhiều tỷ USD để xây dựng các căn cứ quân sự nổi trên các bãi đá ngầm Gạc Ma và Chữ Thập của Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm năm 1988, để sẽ hình thành một hệ thống các căn cứ quân sự nổi trên Biển Đông, lì lợm đẩy tới việc thực hiện “cái lưỡi bò” chiếm gần hết diện tích Biển Đông.

Nhìn lại hành động của Trung Quốc trên Biển Đông những năm gần đây, ai cũng thấy những bước đi ầm ỹ, rất hiếu chiến và đe dọa xâm lược của Trung Quốc trên biển Hoa Đông trong tranh chấp với Nhật, rồi đến việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng Bắc Biển Đông. Song về nhiều mặt những bước đi này đồng thời nhằm tạo thế cho Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh việc bành trướng trong vùng Đông Nam Á của Biển Đông, cụ thể là những hoạt động tiếp tục lấn chiếm vùng Scarborough của Philippines, giờ đây là sự kiện giàn khoan HD 981 và việc ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi đã ngầm ở Trường Sa của Việt Nam như đã trình bầy trên. Đây là những bước đi của Trung Quốc có tính toán kỹ lưỡng, vừa nhằm phân tán sự chú ý của dư luận, phô trương thanh thế để uy hiếp các nước trong khu vực, nhưng đồng thời vừa tranh thủ đi những bước xa hơn trong vùng Đông Nam Á của Biển Đông để tận dụng lợi thế có sức mạnh quân sự áp đảo tại chỗ của Trung Quốc.
Song song với những hành động quân sự trắng trợn và được thực hiện có hệ thống như vậy tại nhiều nơi trên Biển Đông, ông Tập Cận Bình tuyên bố thẳng thừng Trung Quốc không nhân nhượng, trong khi đó ngoại giao Trung Quốc ra sức xuyên tạc sự thật và vu cáo các hoạt động hòa bình bảo vệ chủ quyền của phía Việt Nam.

Có thể nói kể từ sau vụ đánh chiếm 7 đảo và bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988, sự uy hiếp của Trung Quốc hiện nay đối với Việt Nam trên Biển Đông đang leo thang ở mức cao nhất, bất chấp thỏa thuận cấp cao Việt - Trung (Trương Tấn Sang - Tập Cận Bình) ngày 21-06-2013, trong đó ghi rõ:  “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Những sự việc trên một lần nữa tái khẳng định thực tiễn ngoại giao truyền thống của đại Trung Hoa “đánh đánh - đàm đàm, giương Đông kích Tây”, nói một đằng làm một nẻo, tận dụng mọi quyền lực và cơ hội, chỉ để thực hiện nhất quán trước sau mục tiêu chiến lược bành trướng. Việt Nam đã được nếm đủ cay đắng của thứ ngoại giao này của Trung Quốc suốt từ cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2-1979 cho đến hôm nay.

Cũng xin đừng quên: Tuyên bố chung cấp cao 21-06-2013 nêu trên thật ra chỉ là một trong nhiều cam kết đầu lưỡi mà phía Trung Quốc đã không dưới một lần dành cho phía Việt Nam trong các cuộc hội đàm cấp cao như vậy kể từ Thành Đô 1990. Có bao nhiêu tuyên bố cấp cao như thế thì có bằng nấy lời nói đường mật chỉ để gây hỏa mù. Nhân đây cũng phải nhắc lại, quan hệ hợp tác hữu nghị với 4 tốt và 16 chữ vàng từ Hội nghị Thành Đô 1990 để bình thường hóa quan hệ hai nước sau chiến tranh đã dẫn tới kết cục hôm nay. Không thể nói quan hệ Việt Nam - Trung Quốc cơ bản là tốt đẹp như tướng Phùng Quang Thanh phát biểu và làm cho dư luận trong nước cũng như trên thế giới sững sờ.

Không phải ngẫu nhiên nhiều thức giả Việt Nam, trong đó có Nguyễn Khắc Mai và Nguyên Ngọc, đã lên tiếng cảnh báo: Đừng để cho sự kiện giàn khoan HD 981 che khuất các căn cứ quân sự nổi của Trung Quốc đang hình thành ở bãi đá Gạc Ma, ở bãi đá Chữ Thập; đừng để cho một cử chỉ lừa mị nào của phía Trung Quốc có thể dấy lên ý nghĩ cầu xin kẻ xâm lược trả lại những gì đã bị chiếm. Càng không thể đánh đổi độc lập và chủ quyền quốc gia lấy thứ quan hệ hòa hiếu viễn vông!

Kinh nghiệm thất bại vô cùng đau đớn trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ Thành Đô đến nay là đảng và nhà nước đã bưng bít nhân dân ta sự thật về quan hệ giữa hai nước, qua đó phía ta luôn phải đàm phán với Trung Quốc trên thế yếu và không tranh thủ được sự hậu thuẫn không thể thiếu của nhân dân, dẫn tới nhiều thất bại trong thực hiện các thỏa thuận.

Thực tế cũng chỉ ra mọi hứa hẹn tốt đẹp của phía Trung Quốc về phát triển quan hệ 2 nước chỉ là lời nói suông, mọi thỏa thuận ngoại giao bí mật chẳng những là vô nghĩa mà còn gây ra nhiều tác hại nhiều chiều và rất nguy hiểm cho nước ta. Cho đến nay, bất kể một bố thí hòa hoãn nào của phía Trung Quốc cũng đều chung một mục đích chuẩn bị cho bước leo thang cao hơn trong lấn chiếm lãnh thổ và xâm phạm chủ quyền của nước ta, không có một ngoại lệ.

Quan hệ hai nước Việt - Trung chỉ thừa nhận một sự thật duy nhất: Việt Nam có bản lĩnh đến đâu thì bảo vệ được chủ quyền của mình và phát triển được quan hệ bình thường đến đấy, chẳng có quà tặng nào của lòng tốt dành cho ta cả. Kinh nghiệm còn luôn luôn thẳng thắn chỉ ra: Ta càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới, ta không có cách gì thỏa mãn được đòi hỏi của bành trướng.

(Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Lập)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...