Người Việt tốt hay xấu

Người Việt tốt hay xấu
Một dân tộc tự nhận mình có toàn những tính tốt, không có tính xấu - là một dân tộc sống trong ảo tưởng. Mà một dân tộc sống trong ảo tưởng thì sớm muộn gì cũng suy thoái hoặc bại vong. Có thể nói không có một dân tộc nào trên trái đất này gồm toàn những tính tốt. 
Một số ví dụ:
Người Nhật. họ có thể có rất nhiều đức tính tốt, nhưng một tính xấu không thể phủ nhận đó là người Nhật khó chơi, khó có thể hòa hợp với các chủng tộc khác. Họ sống khép kín chứ không cởi mở như người Việt Nam.

Người Do Thái vì quá thông minh cho nên "ăn người", không chịu nhả ra. Chính vì thế mà bị người ta ghét. Ăn thì phải nhả ra, tức phải chia xẻ với người khác thì mới lâu bền.
Người Pháp có thể cái gì cũng tốt cả nhưng quá kiểu cách, nặng tự ái cho nên tụt hậu so với Đức, Mỹ, Nhật là những nước trước đây thua kém Pháp.

Người Mỹ có thể cái gì cũng tốt cả - nhưng quá phóng túng và không dạy luân lý, đạo đức trong học đường. Có thể đây là nguyên do khiến xã hội Hoa Kỳ từ từ băng họai và suy sụp.

Còn Trung Hoa? Tại sao một đất nước đã sản sinh ra những nhà tư tưởng lớn như Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Lão Tử, Trang Tử, Bách Gia Chư Tử... lại có qúa nhiều bạo chúa, đàn bà hung ác, dâm lọan làm suy sụp đất nước và làm khổ con người? Phải chăng người Tàu có một "căn bệnh trầm kha" gì đó mà chúng ta chưa biết?

Còn Việt Nam thì sao?

Tôi thử phân tích xem người Việt chúng ta có những tính gì TỐT và những tính gì XẤU. Nhạc sĩ Phạm Duy trong bài hát "Việt Nam! Việt Nam!" đã có giấc mơ lớn là một ngày nào đó dân tộc Việt sẽ đem "Lửa thiêng soi toàn thế giới". Tôi cũng mong dân tộc mình có ngày như vậy. Nhưng ngày đó chưa đến. Muốn nó đến thì chúng ta phải nhìn lại mình xem cái tốt thì cố giữ gìn, phát huy. Cái gì xấu thì cố bỏ đi.

Người có trí tuệ là người thấy mình có lỗi và sửa chữa. Một dân tộc hay một cá nhân sẽ mãi sống trong ảo tưởng và u tối khi tự ru ngủ mình bằng những giá trị mà mình hoặc dân tộc mình không có... Sau đây là 10 tính Tốt và 10 tính Xấu của người Việt.

Mười Tính Tốt :

1. Thông minh.
2. Cần cù, nhẫn nại.
3. Chịu đựng trong mọi hòan cảnh khó khăn.
4. Bắt chước giỏi, nhanh, dung hợp được cái hay của người.
5. Gia đình đùm bọc, che chở, bảo vệ lẫn nhau.
6. Thích làm chủ.
7. Không cực đoan hoặc bảo thủ, tính tình dung dị, dễ thích nghi với xã hội mới.
8. Hiếu học, biết quý trọng giáo dục, người trí thức.
9. Yêu nước nồng nàn. Khi có ngọai xâm sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước. Tôn thờ và quý trọng người hy sinh vì đất nước.
10. Biết giữ gìn bản sắc dân tộc, không bao giờ bị đồng hóa.

Mười Tính Xấu:
1. Đi trễ, không tôn trọng giờ giấc:
"Không ăn đậu, không phải là Mễ.
Không đi trễ, không phải Việt Nam".
2. Hay nói dối, hoặc nói dối quanh.
3. Hay biện minh (tại, bị) thiếu tinh thần trách nhiệm.
4. Thích nói xấu người khác, chen vào chuyện người khác (ngồi lê đôi mách), ghen tị.
5. Không tôn trọng của công.
6. Thù dai.
7. Thích ai thì bốc lên tận mây xanh, ghét ai thì dùng mọi lời lẽ để lăng nhục, xỉ vả, chửi bới người ta. Thiếu thận trọng về ngôn ngữ. Thiếu tinh thần vô tư.
8. Khó lòng hùn hạp, khó làm ăn chung vì ai cũng muốn thủ lợi riêng.
9. Vô kỷ luật.
10. Vì chỉ biết có gia đình mình, dòng họ mình cho nên lơ là việc chung.

Trên đây chỉ là những lời phân tích có tính phỏng đoán. Quý vị nào có sự phân tích tốt hơn, hay hơn xin cùng đóng góp để dân Việt chúng ta cùng học hỏi, sửa chữa, để mỗi ngày mỗi khá hơn và để hy vọng rằng con cháu chúng ta sẽ đem "Lửa Thiêng Soi toàn Thế Giới". Đào Văn Bình

8 tật xấu khó bỏ của người Việt

Lâu nay người Việt cứ ru nhau bằng những từ hoa mỹ mà chẳng bao giờ nhìn nhận thẳng vào sự thật xấu xí của mình như thói lừa lọc dối trá, sĩ diện hão, thói ham ăn, hay ghen tỵ... Lâu nay, người Việt cứ ru nhau bằng những mỹ từ như: hào hoa, thanh lịch như người Tràng An, người Việt Nam hiền hòa mến khách, nhân hậu... rồi nước Việt Nam rừng vàng biển bạc... Ôi! Toàn lời tán tụng sáo rỗng.

(Xem thêm: Tại sao chúng ta luôn chê bai người giàu)

Đành rằng ở đâu cũng có người tốt người xấu, không có chỗ nào mà có toàn người tốt, cũng chẳng có nơi nào toàn người xấu. Nhưng khi cái xấu ngày càng nhiều và diễn ra hàng ngày trước mắt thì nó sẽ dần được xem như điều bình thường.
Dĩ nhiên, không phải người Việt nào cũng xấu xí, nhưng nếu bạn đọc nội dung bên dưới mà thấy mình cũng có khi như vậy thì hãy suy nghĩ nhé.

1. Khạc nhổ ngoài đường. Nếu bạn chưa từng bị dính nguyên bãi nước bọt, đờm, nước mũi khi đang đi trên đường phố Việt Nam thì bạn chưa cảm nhận hết cái sự điên cuồng, khó chịu đến phẫn nộ của những phi vụ hôi thối này.
Có lần tôi nghe kể chuyện về một cô Tây sang Việt Nam du lịch lần đầu tiên. Cô ngồi trên xích lô ngắm phố phường và vô tình hứng luôn bãi nước bọt của người đi xe máy phía trước. Vậy là cô đổi vé máy bay về nước trong ngày hôm ấy và hứa sẽ không quay lại Việt Nam lần nữa.

2. Nói chuyện lớn tiếng chỗ đông người. Tiếng Việt có âm sắc, huyền, hỏi, ngã, không giống như nhiều ngôn ngữ khác. Vì thế, nhiều người nước ngoài, nhất là người Âu Mỹ lần đầu nghe tiếng Việt sẽ thấy rất chói tai. Vậy mà, nhiều người nói rất lớn tiếng chỗ đông người, nghe cứ như đang cãi nhau.
Hôm qua tôi đi ăn một quán ở TP HCM. Tôi đang ngồi ăn thì có nhóm khách là nhân viên văn phòng kéo vào và từ đó cái quán thành cái chợ và bữa ăn trưa kém ngon vì sự ồn ào.

3. Hỉ mũi sột soạt tại quán ăn. Nhiều người chẳng thèm biết cảm giác của người xung quanh ra sao khi cứ vô tư hỉ mũi sột soạt chỗ quán ăn đông người (nhất là những quán bán đồ ăn có vị cay như bún bò, bún riêu...). Nếu các bạn đang ngồi ăn mà nghe hỉ mũi thì cái thú ẩm thực cũng mất luôn.

4. Lãng phí đồ ăn. Các bạn hãy thử đi ăn buffet xem, nhiều người lấy đồ ăn cả bàn ăn không hết. Họ ráng gồng mình để ăn cho đủ với số tiền bỏ ra. Ăn không được thì bỏ. Thế nên nhiều nơi phải dán dòng chữ bằng tiếng Việt: Xin lấy thức ăn vừa đủ! - là như vậy.


5. Sĩ diện. Nhiều người Việt không sống đúng với thực tế của bản thân. Họ vay mượn, làm đủ mọi cách để có quần áo, xe cộ, nhà cửa, máy móc cho bằng người khác. Họ sĩ diện và tạo vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài và bất chấp cái ruột bên trong trống rỗng. (100 %)

6. Ghen ăn tức ở: Nhiều người hay thở dài rằng ở đời giàu bị người ta ghét, nghèo bị người ta khinh. Nhiều người ngại công nhận mình thua kém và người khác tài giỏi hơn mình. Họ thường tìm cách vạch lá để tìm sâu.

Nếu ai đó thành công, họ sẽ nói do A, B, C như thế này thế kia và tìm cách chê bai chỉ trích (như trường hợp của Mr. Đông, tác giả Flappy Bird vừa rồi). Vì thế nói văn hóa phương Tây thiên về khuyến khích, văn hóa Việt Nam thiên về chỉ trích là không hề sai chút nào


7. Dối dối trá lừa lọc. Tật xấu này, tôi thấy dường như với người Việt đã là chuyện rất bình thường chứ không có gì to tát. Người ta khất hẹn với bạn thường bịa lý do nào đó thay vì nói thẳng nói thật.

Nói dối dù gây hại hay không thì nó cũng đã tạo nên một thói quen xấu và hậu quả là bây giờ nhiều người nói nhưng mình không thể tin. Cuộc sống mà chúng ta không có lòng tin nhau cũng mệt mỏi.


8. Hùa theo số đông. Người Việt thích làm những gì mà nhiều người đang làm, thích ăn uống ở nơi thấy nhiều người xếp hàng, thích mua hàng hóa đang có quảng cáo trên tivi, thích bàn tán chuyện báo chí đang đề cập...

Nói chung là ai cũng muốn chứng tỏ mình sành điệu và bắt kịp thời cuộc, cho nên nhiều trận chê hội đồng và khen theo phong trào vô tình làm nên nhiều hiện tương quá lố... Những tật xấu này chưa có biểu hiện sẽ bớt đi mà ngày càng nở rộ.


Qua đây, hy vọng rằng chúng ta sẽ nhìn nhận lại bản thân để có những cư xử văn minh trong thời buổi hiện nay thay vì ngồi chỉ trích, ghen ăn tức ở với nhau.

10 đặc điểm của người Việt 

Tổng thống của một nước cựu thù cũng phải công khai thừa nhận: "Việt Nam là một nước có lịch sử lâu đời, bền vững. Dân tộc Việt Nam chứng tỏ cho tất cả thế giới biết là người Việt Nam có toàn quyền tự quyết, định đoạt được tương lai của họ". Ðể tiếp tục truyền thống đó thanh niên nhận rõ mình hơn và cần khắc phục những hạn chế nhỏ mà không nhỏ trên con đường hội nhập.

Người nước ngoài nhìn ta:


1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.

2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.

3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).

4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.

5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học "đến đầu đến đuôi" nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê)

6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.

7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).

8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.

9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.

10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng)

Ta tự nhìn ta


1. "Giờ cao su": Nhìn chung, ý thức giờ giấc của người Việt Nam rất kém. Nhiều bạn đi du học ở các nước phát triển lúc đầu rất hay bị bỡ ngỡ. Họ dễ bị trễ tàu, lỗi hẹn nhưng dần dần họ cũng khắc phục được. Ðến khi về nước họ lại khó chịu với "giờ cao su" của chúng ta.

2. Thiếu tự tin và óc phê phán: Ðây cũng là nhược điểm của văn hóa phương Ðông có lối sống khép kín. Nhiều bạn sinh viên năm thứ ba, thứ tư Ðại học mà vẫn ngại phát biểu ý kiến hoặc trình bày vấn đề trước đám đông vì thiếu tự tin, thiếu thói quen suy nghĩ, đi học chỉ biết "chép chính tả". Kiểu giáo dục thụ động luôn tỉ lệ thuận với sức ì của tư duy và tỉ lệ nghịch với óc phê phán (critical thinking) của thanh niên.

3. Bệnh hình thức: Có bạn trong cơ quan hay công ty mình làm việc đang chẳng đâu vào đâu thì lại đi học master. Có bạn tốt nghiệp rồi mà chưa tìm được việc làm cũng đi học master. Tư duy nặng về "điểm chác", bằng cấp rất phổ biến. Không xác định tư tưởng học để làm việc mà học để lấy bằng. Người Mỹ có quan điểm: to learn is to change. Còn chúng ta ra sức theo học rất nhiều lớp học nhưng rốt cuộc cách làm việc không thay đổi gì cả, điều khác là chúng ta có thêm mấy cái bằng bổ sung vào hồ sơ cá nhân.

4. Không tiết kiệm: hay tâm lí thích tiêu xài phung phí. Ðây là virus đang rất phổ biến và rất dễ lây lan trong giới trẻ. Họ quan tâm đặc biệt đến quảng cáo, thích xem các loại tem nhãn quần áo, nhận xét, đánh giá người khác qua tài sản, thấy thèm muốn, thán phục nếu ai đó có nhiều quần áo, xe, điện thoại, nhà..."xịn" hoặc tiêu xài sang hơn mình. Chúng ta đang tiêu dùng nhiều hơn chúng ta kiếm được.

5. Thiếu trách nhiệm cá nhân, thừa trách nhiệm tập thể: Nói chung trong những người bình thường, chúng ta thường hay đùn đẩy trách nhiệm, bất kỳ việc gì chuyển được sang cho người khác cũng đều thấy nhẹ cả người. Khi xảy ra sai phạm đó sẽ là lỗi chung của cả tập thể chứ không của riêng cá nhân nào.

6. Thể lực kém: xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng, chương trình học quá tải, học lệch, tâm lí lười vận động... Và hậu quả là khi làm việc với các đồng nghiệp nước ngoài, mặc dù rất cố gắng nhưng người Việt trẻ vẫn rất hay bị hụt hơi và cảm thấy khó có thể theo được cường độ làm việc của họ.

7. Thiếu thực tế: Ông Kim Woo Choong - Chủ tịch Công ty Deawoo viết: "tuổi trẻ không có ước mơ thì không phải là tuổi trẻ... lịch sử thuộc về những người biết ước mơ". Nhưng đó là những ước mơ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Chúng ta thường hay suy nghĩ viển vông, thiếu suy nghĩ thực tế và chưa có suy nghĩ học là để làm việc.

8. Tinh thần hợp tác làm việc theo team work còn hạn chế. Thế kỷ 21 là thế kỷ làm việc theo nhóm vì tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ngay cả văn học và nghệ thuật, một cá nhân cũng không thể đảm đương được.

9. Tác phong công nghiệp: Ðây là điểm rất quan trọng, có thể bao hàm một vài điểm đã nêu trước. Một nhà xã hội học Mỹ nói về nguồn gốc của cách làm việc tiểu nông như sau: "Anh nông dân sau khi gieo lúa xong có thể nhậu lai rai, ngủ dài dài và chờ đến thời điểm nhổ cỏ, bón phân mới làm tiếp. Mà việc này có làm muộn vài ngày cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Nhưng một người công nhân đứng máy luôn luôn phải đúng giờ, có thao tác chính xác tuyệt đối và tinh thần kỷ luật cao. Một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tác hại đến cả dây chuyền."


(Bài viết của tác giả Lai Tran Mai)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...