Từ chức là trái ngọt của giáo dục

Ts Hoàng Tuyết- ĐH Sư phạm TpHCM  

Câu chuyện năm hiệu trưởng quận Hà Đông, Hà Nội xin từ chức trước thềm năm học mới này làm tôi liên tưởng đến sự kiện từ chức của TS Nguyễn Kế Hào, vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT, vào năm 2001.
Hai hiện tượng từ chức này không hoàn toàn giống nhau: một bên từ chức bởi cuộc vận động miễn nhiệm của tổ chức, một bên từ chức từ chính nhận thức, quyết tâm riêng của cá nhân.


Tuy nhiên, chí ít điểm chia sẻ đáng trân trọng của việc năm hiệu trưởng từ chức với vụ rời vị trí quyền lực của ngài vụ trưởng đó là lòng tự trọng. Khi nhận thức rằng việc nắm giữ vị trí không được mọi người tín nhiệm nữa thì năm hiệu trưởng đã tự ứng xử rút lui.

Đã mười hai năm trôi qua, chương trình giáo dục phổ thông quốc gia mà TS Nguyễn Kế Hào đã vì nó mà từ chức đến nay đang dần được chuẩn bị để khép lại cho một chương trình giáo dục mới ra đời, thì hiện tượng từ chức ở nước ta vẫn còn là chuyện hiếm hoi.

Trong lúc đó, ai cũng biết ở nhiều quốc gia khác, khi người được giao trách nhiệm, nhưng do cố tình hay vô tình, hay do không đủ khả năng làm tròn thì với lòng tự trọng của mình, người ta thường tự nguyện xin từ chức.

Từ chức trở thành thói quen, trở thành văn hóa phổ biến ở các nước. Trong khi đó thì chúng ta cũng mới chỉ đang loay hoay hướng tới thói quen ứng xử ấy bằng bệ đỡ của quy định từ chức tại dự thảo nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Vì sao vậy?

Với tôi, câu trả lời đó là vì “giáo dục”. Bác Hồ từng nói: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên. Hơn nữa, GS Chu Hảo đã khẳng định nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục.

Nền giáo dục của chúng ta hiện nay đã và đang không xây dựng được những văn hóa lành mạnh: văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức âm nhạc… và cả văn hóa từ chức.

Giải thích cho hiện tượng thiếu văn hóa từ chức, TS Đinh Xuân Thảo nói: “Chức vụ không chỉ gắn với trách nhiệm mà còn với danh dự, uy tín, đặc biệt với lợi ích vật chất nên trường hợp bần cùng bất đắc dĩ, bị buộc không cho làm nữa thì họ mới chịu thôi, chứ không ai dại gì mà tự nguyện rời bỏ vị trí đang có của mình”.

Rõ ràng, lý do không chịu từ chức này phản ánh phần nào chân dung tinh thần của những thế hệ công dân mà nền giáo dục phổ thông nước ta đã và đang đào luyện.


(Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Lập)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...