Sự kiện 11-9 [full video]


Sự kiện 11 tháng 9, thường được viết tắt 9/11 hoặc sự kiện 911 theo lối viết ngày tháng tại Mỹ, là một loạt tấn công khủng bố cảm tửcó phối hợp tại Hoa Kỳ diễn ra vào thứ Ba, ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi một nhóm không tặc gần như cùng một lúc cướp bốn máy bay hành khách hiệu Boeing đang trên đường bay nội địa trong nước Mỹ. Nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, Thành phố New York – mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp bị sụp đổ. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, cách Pittsburgh 129 km (80 dặm) về phía Đông, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này.


Chiếc máy bay thứ nhất đâm vào tòa tháp
Nếu không tính 19 không tặc, có cả thảy 2.974 người thiệt mạng trong vụ tấn công, và 24 người liệt kê mất tích xem như đã chết.

Theo phúc trình của Ủy ban Quốc gia về vụ Khủng bố tại Hoa Kỳ (Ủy ban 11/9), tất cả 19 không tặc tiến hành cuộc tấn công đều là những tay khủng bố liên quan đến tổ chức Hồi giáo Al-Qaeda. Bản phúc trình cho rằng Osama bin Laden, người Saudi, thủ lĩnh của Al-Qaeda, là người chịu trách nhiệm về vụ tấn công, trong khi Khalid Shaikh Mohammed là người trực tiếp đặt kế hoạch cho cuộc tấn công. Chính phủ của nhiều nước khác, cũng như nhiều nguồn tin tức, đã đi đến hoặc phát biểu kết luận tương tự. Osama bin Laden quyết liệt bác bỏ mọi liên quan đến vụ tấn công trong hai lời tuyên bố vào năm 2001 nhưng về sau, trong một lời tuyên bố bằng video năm 2004, ông thừa nhận là có liên quan trực tiếp đến những cuộc khủng bố.

Chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp

Theo phúc trình của Ủy ban 11/9, các không tặc đã biến những chiếc máy bay thành những quả bom tự sát lớn nhất trong lịch sử. Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 là một trong những sự kiện quan trọng đáng chú ý nhất trong thế kỷ 21, và là một trong những vụ khủng bố gây thiệt hại nhiều nhất về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, và quân sự của lịch sử Hoa Kỳ cũng như những nơi khác trên thế giới.

Vụ tấn công khởi phát là việc cướp bốn chiếc máy bay thương mại. Với sức chứa gần 91.000 lít (24.000 gallon) cho các động cơ phản lực của mỗi chiếc, những chiếc máy bay này được biến thành những quả bom lửa đang bay. Chuyến bay 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào mé bắc của toà Tháp Bắc WTC vào lúc 8:46:40 sáng giờ địa phương (12:46:40 UTC). Lúc 9:03:11 sáng giờ địa phương (13:03:11 UTC), chuyến bay 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào toà Tháp Nam, được truyền hình trực tiếp bởi các máy quay trước đó đang hướng ống kính về phía Tháp Bắc.


Cả tòa tháp sụp đổ
Chuyến bay 77 của hãng American Airlines lao vào Lầu Năm Góc vào lúc 9:37:46 sáng giờ địa phương (13:37:46 UTC). Chiếc phi cơ thứ tư, chuyến bay 93 của hãng hàng không United Airlines, rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville và thị trấn Stonycreek thuộc Quận Somerset, tiểu bang Pennsylvania vào lúc 10:03:11 sáng giờ địa phương (14:03:11 UTC), xác vụn của chiếc máy bay đã được tìm thấy cách đó tám dặm. Người ta tin rằng máy bay bị rơi có thể là do nhóm không tặc cố ý làm như thế, nhưng cũng có thể là do hành khách trên máy bay đánh trả lại làm nhóm không tặc không thể kiểm soát được chiếc máy bay. Trong số những người có mặt trên bốn chuyến bay định mệnh này, không ai còn sống sót.

Một số hành khách và nhân viên phi hành đoàn đã cố liên lạc bằng điện thoại từ trên máy bay. Họ báo cho biết có nhiều không tặc đang có mặt trên máy bay. Sau này, FBI nhận diện được tổng cộng có 19 không tặc, bốn trên chuyến bay 93 của hãng United. Trên ba chuyến bay còn lại, mỗi chuyến có năm không tặc.

Theo ước tính của Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia (NIST) có khoảng 17 400 người có mặt trong Trung tâm Thương mại Thế giới vào lúc xảy ra vụ tấn công, trong khi cửa quay của Cảng New York và New Jersey cho thấy có 14 154 người ở trong tòa tháp đôi vào lúc 8:45 sáng. Đa số đều ở dưới điểm va chạm nên được cứu thoát an toàn, có 18 người cố xoay xở để thoát ra kịp lúc từ bên trên khu vực va chạm của tòa tháp phía nam trước khi nó đổ xuống.Có ít nhất 1 366 người bị kẹt ngay tại hoặc bên trên điểm va chạm của toà tháp phía bắc, không ai còn sống sót Theo phúc trình của Ủy ban 11/9, hàng trăm người chết ngay khi xảy ra vụ nổ, những người còn lại bị mắc kẹt trong tòa nhà, thiệt mạng khi tòa nhà sụp đổ. Có đến 600 người chết ngay lập tức hoặc bị kẹt trong các tầng lầu ngay tại điểm va chạm hoặc bên trên của tòa tháp Nam.

Trong số những người có mặt trong Trung tâm Thương mại Thế giới vào lúc nơi này bị tấn công, ước tính có khoảng 200 người, tuyệt vọng vì bị nhấn chìm trong khói và sức nóng của nhiên liệu phản lực đang bốc cháy, liều mạng nhảy ra khỏi toà tháp đôi rực lửa để hứng chịu cái chết thảm khốc khi rơi xuống đường phố và trên mái của những toà cao ốc lân cận, hàng chục mét thấp hơn bên dưới.

Phản ứng tương tự cũng được ghi nhận khi những nạn nhân của vụ cháy tàu General Slocum (xảy ra năm1981 với hơn 1.000 người chết), và vụ hoả hoạn tại xưởng may Triangle Shirtwaiste (năm 1911 với hơn 100 thương vong) tìm lấy cái chết khi cố tìm cách thoát khỏi tình thế nguy cấp.

Nhiều người khác đang ở các tầng lầu cao hơn điểm va chạm (nơi máy bay đâm vào toà nhà) cố chạy ngược lên mái toà nhà với hy vọng sẽ được trực thăng đến cứu. Nhưng không có kế hoạch cứu hộ nào được lập ra cho một tình huống như thế. Những người khác bị chặn lại bởi cửa đã bị khoá chặt khi họ đang cố leo lên mái toà nhà.

Chiếc máy bay thứ tư

Có những suy đoán cho rằng chiếc máy bay thứ tư, chuyến bay 93 của hãng United Airlines, bị nhóm không tặc dự định cho đâm vào Điện Capitol(Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ) hoặc Toà Bạch ỐcWashington, D.C..

Những gì được ghi lại trong hộp đen cho thấy những hành khách, do Todd Beamer, Jeremy Glick và Mark Bingham lãnh đạo, cố gắng giành quyền kiểm soát máy bay từ tay nhóm không tặc mặc dù những không tặc, trong một nỗ lực bất thành, cho phi cơ lắc mạnh nhằm khống chế nhóm hành khách. Theo băng ghi âm của dịch vụ khẩn cấp 911, một hành khách trên chuyến bay 93 yêu cầu người điện thoại viên cùng cầu nguyện với anh trước khi nhóm hành khách này xông lên tranh giành với nhóm khủng bố để chiếm lại quyền điều khiển chiếc phi cơ. Sau khi cầu nguyện xong, người hành khách chỉ thốt lên “let’s roll”. “Let’s roll” sau này trở thành tiếng hô xung trận của binh sĩ chiến đấu chống Al Qaedatại Afghanistan.

Không lâu sau đó, chiếc phi cơ rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc thị trấn Stonycreek, hạt Somerset, tiểu bang Pennsylvania vào lúc 10:30:11 sáng giờ địa phương (14:03:11UTC). Có những bất đồng về thời điểm chính xác máy bay rơi, dựa vào những chấn động được ghi nhận cho thấy có thể xảy ra lúc 10:06. Ủy ban 9/11 báo cáo rằng quân sư của al-Qaeda (đã bị bắt), Khalid Shikh Mohamed, khai rằng mục tiêu tấn công của chuyến bay 93 là Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, được dành cho bí danh “Khoa Luật”.

Tử vong và Thiệt hại

Khi các khu ngoại ô chung quanh Thành phố New York biết tin thảm họa đang xảy ra quá gần, nhiều trường học đóng cửa, di tản hoặc tự phong toả. Những khu học chính khác ngăn không cho học sinh xem truyền hình bởi vì nhiều em có cha mẹ đang làm việc trong tòa tháp đôi. Ở các bang New Jersey và Connecticut, các trường tư đều được di tản. Trường học tại Scardale, tiểu bang New York bị đóng cửa. Tại Greenwich, tiểu bang Connecticut, khoảng 15 dặm phía bắc Thành phố New York, hàng trăm học sinh có quan hệ trực tiếp với những nạn nhân của vụ tấn công. Greenwich, một trong những thị trấn giàu nhất thế giới, có nhiều cư dân tử vong hơn bất cứ thị trấn nào trong vùng.

Theo tường thuật của hãng thông tấn Associated Press, thành phố đã nhận diện hơn 1 600 tử thi, nhưng không thể xác định nhân thân cho số tử thi còn lại (khoảng 1 100 người). Bản tường thuật cũng nói rằng thành phố có “khoảng 10 000 mẩu xương và các phần mô chưa thể xác nhận là phù hợp với danh sách tử vong”.

Con số thương vong lên đến 2 975 người, trong đó có 19 không tặc, 246 người trên 4 chiếc máy bay (không ai sống sót), 2 603 người thiệt mạng tại Thành phố New York, trong tòa tháp đôi cũng như trên mặt đất, và 125 người trong Ngũ Giác Đài. Thêm vào danh sách nạn nhân là 24 người bị liệt kê mất tích. Ngoại trừ 55 người thuộc các lực lượng vũ trang, tất cả đều là dân thường.

Hơn 90 quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Các viên chức y tế Thành phố New York đưa tên Felicia Dunn-Jones vào danh sách nạn nhân. Năm tháng sau ngày xảy ra sự kiện 11/9, Dunn-Jones chết vì bệnh phổi do hít phải bụi khi tòa nhà WTC sụp đổ.

Thêm vào đó, tòa Tháp đôi cao 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới, cùng với năm tòa nhà khác thuộc khu vực WTC, gồm có tòa nhà số 7 của WTC, tòa nhà chọc trời khung bằng thép cao 48 tầng cách đó một khu phố, các tòa nhà số 6, 5, 4, 3 của WTC, phức hợp Trung tâm Tài chính Thế giới, và Nhà thờ Chính Thống giáo St Nicholas, cùng bốn trạm tàu điện ngầm hoặc bị sụp đổ hoàn toàn hoặc bị thiệt hại nặng nề.Tính tổng cộng, trên Đảo Manhattan, có 45 tòa nhà bị thiệt hại. Các thiết bị truyền thông như tháp truyền hình, truyền thanh, radio hai chiều bị phá hủy nhưng các trạm truyền thông đã nhanh chóng phục hồi tín hiệu và phát sóng lại. Tại Arlington, một phần của tòa nhà Lầu Năm Góc bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn, một phần khác bị sụp đổ.



(Bài viết của tác giả Mõ Làng)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...