"Cần minh bạch hàng nghìn tỷ đồng thu được từ đấu thầu vàng"

Ngọc Quang (Thực hiện)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Thống đốc NHNN đã nói lợi ích từ việc đấu thầu vàng thuộc về nhân dân và nhà nước, vậy thì cần phải công khai xem hàng nghìn tỷ thu được đã nộp vào ngân sách bao nhiêu, người dân được hưởng gì, và bao nhiêu vào những bộ phận trực tiếp xuất nhập khẩu...


Lý giải về những chính sách nhằm điều tiết thị trường vàng trong thời gian qua như độc quyền nhập khẩu vàng, tổ chức đấu thầu, định giá vàng… Ngân hàng nhà nước (NHNN) lý giải rằng, đây là việc làm cần thiết để ổn định thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhiều người dân cho rằng sự độc quyền đó sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy lâu dài về nguồn dự trữ ngoại tệ, đồng thời cũng không đảm bảo sự minh bạch cho thị trường.

Trong khi đó, phân tích về chính sách bình ổn thị trường vàng của NHNN, Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Chỉ khi nào giá vàng trong nước và thế giới sát nhau về giá thì mới giảm hẳn được động lực kinh doanh, buôn bán vàng.

- Thưa TS Nguyễn Minh Phong, câu chuyện NHNN nhập vàng và cho đấu thầu mặt hàng này vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra đó là, trong những phiên đấu thầu trị giá hàng trăm tỷ đồng ấy liệu có lợi ích nhóm hay không?

TS Nguyễn Minh Phong: Theo lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình thì không có lợi ích nhóm, chỉ có Nhà nước được lợi, nhân dân được lợi. Tuy nhiên, câu hỏi này lại xuất hiện trong tình huống NHNN đề nghị cho tạm nhập tái xuất một lượng vàng khổng lồ, thứ hai là đề nghị không kiểm tra hàng, cho nó một cơ chế đặc biệt và coi đó là “bí mật quốc gia”, lộ trình giải phóng nhanh và không có kiểm tra khai báo hải quan như nhiều loại hàng hóa khác. Thế thì điều này không cẩn thận sẽ dễ tạo ra “những kênh xanh” cho hoạt động buôn lậu.

Bên cạnh đó, thông tin về số lượng vàng nhập thực với khối lượng của cổ đông vàng cũng khiến cho nhiều người hoài nghi và nhiều câu hỏi đã đặt ra xoay quanh 60 phiên đấu thầu vàng của NHNN, hàng chục tấn vàng đã đi đâu, và tại sao cung lớn như vậy nhưng giá vẫn không hạ nhiệt?
Tất cả những thông tin ấy rõ ràng khiến cho nhiều người cảm thấy không thoải mái, nhất là khi tất cả các thông tin lại xuất hiện gần nhau như vậy.

- Vậy việc NHNN chi hàng triệu USD để nhập vàng, về lâu dài chính sách này có những tác động gì đến thị trường vàng, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Trong câu chuyện này thì sẽ nảy sinh hai hệ lụy: Thứ nhất là đi ngược lại với quy trình quản lý nhà nước, tức là tách kinh doanh nhà nước ra khỏi quy trình quản lý nhà nước. NHNN tương đương với một Bộ, trước đây chỉ tập trung vào điều hành chính sách thì nay họ làm cả công tác kinh doanh: Trực tiếp xuất nhập khẩu vàng, dập vàng miếng, định giá sàn…

Như vậy, một cơ quan nhà nước đang làm cả hai việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nghĩa là đi ngược lại với quy trình thị trường hóa và hội nhập.

Thứ hai là xuất ngoại tệ nhập vàng nhưng lại thu nội tệ, thế thì về lâu dài sẽ dẫn tới sự khan hiếm ngoại tệ, mà trong tình hình hiện nay chúng ta thấy rằng sự lệch giá vẫn còn rất cao, vậy thì ai dám đảm bảo rằng không có nhóm lợi ích trong đấy?

Tôi lấy ví dụ, nếu họ nhập vào và lặng lẽ bán ra chứ không công khai đấu thầu thì ai biết được? Ở đây phải có một sự công khai, kiểm tra, kiểm soát, xác nhận rằng giai đoạn này không có chuyện đó, nhưng cơ quan quản lý chưa làm.

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng, NHNN sẽ phải bao cấp toàn bộ ngoại tệ để phục vụ nhu cầu vàng trong nước, thay vì trước đây DN nào nhập thì phải tự thu xếp ngoại tệ. Gần đây, chính sách có nới lỏng hơn, đó là cho một số DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế biến vàng trang sức để giảm bớt áp lực về ngoại tệ.

- Thưa ông, NHNN cũng lý giải rằng, việc độc quyền nhập khẩu vàng là để nhằm điều tiết thị trường và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. NHNN chỉ giải tỏa khi nào các kênh đầu tư khác tốt lên và nhà đầu tư bớt nắm vàng. Ý kiến của ông thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Về mặt xu hướng, việc làm giảm sở hữu vàng là khó xảy ra, bởi vì trong lúc nền kinh tế có nhiều biến động khó lường thì số nhà đầu tư nắm giữ vàng (thậm chí với số lượng lớn) sẽ còn lâu dài.

Thứ hai là các kênh khác có nổi lên vàng mới giảm đi thì rất khó nói, khi mà giá vàng lệch cao như vậy thì chẳng có lý do gì người ta không đầu tư vào đó, và tất nhiên những kênh đầu tư khác cũng sẽ kém đi.

Chỉ có điều Thống đốc NHNN đã nói lợi ích từ việc đấu thầu vàng thuộc về nhân dân và nhà nước, vậy thì cần phải công khai xem hàng nghìn tỷ thu được đã nộp vào ngân sách bao nhiêu, người dân được hưởng gì, và bao nhiêu vào những bộ phận trực tiếp xuất nhập khẩu...

- Trên thực tế thì vẫn đang xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau: Về phía NHNN cho rằng độc quyền nhập khẩu vàng lúc này là cần thiết, nhưng các doanh nghiệp thì cho rằng độc quyền dẫn tới sự không minh bạch. Vậy theo ông, chúng ta nên làm thế nào để đảm bảo sự hài hòa cho cả hai phía?
 
TS Nguyễn Minh Phong: Những nước phát triển nhất như Anh, Đức, Pháp, Mỹ thì đều tự do hóa từ lâu rồi. Những nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng từ kiểm soát chặt chẽ, độc quyền như Việt Nam hiện nay thì đã chuyển sang tự do hóa. 

Các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được quyền huy động vàng trong dân trên những cái sàn giao dịch công khai, có sự quản lý với một cơ chế minh bạch.

Việt Nam cũng sẽ phải như vậy thôi, tức là cho phép liên thông với thế giới, kèm theo là các quy chế kiểm tra, kiểm soát: Một là để tránh luôn lậu, hai là để đảm bảo chất lượng, ba là các dịch vụ cung ứng khác phải đảm bảo dễ dàng hơn, thí dụ bây giờ muốn kiểm tra chất lượng vàng thì phải có một dịch vụ minh bạch với mức giá rẻ. Thêm nữa, khi tự do liên thông thì sẽ làm giảm bớt động lực kinh doanh mua bán vàng.

Thời gian vừa qua, NHNN có một sự “cưỡng bức” trong vấn đề nhận thức, khi họ cho rằng chính việc đặt giá vàng ở mức sàn cao làm cho thị trường ổn định hơn. Tôi cho rằng điều này là không đúng, chỉ khi nào giá vàng trong nước và thế giới sát nhau về giá thì mới giảm hẳn được động lực kinh doanh, buôn bán vàng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Lập)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...