Lập Trình Viên II (48)

"Này thì kiểm tra!" — Tôi sửa điểm Sinh Vật của nó thành "OTL" — "Xuất sắc" (năm điểm)!



*
*     *



— A-lô... Chú Gô-ga, cháu đây, chú đến đem cháu ra khỏi đây... Ngay lập tức ạ... H... Chán lắm, như là toàn trẻ con ấy... H... Nằm xem ti-vi rồi ạ, thế... Khoảng nửa tiếng, vâng...
Thoạt nghe "A-lô" một cái, tôi đã giật mình, mà chắc phải hơn là "giật mình", "giật thót mình" thì lại không đúng lắm, cái này có lẽ giống như một sự bàng hoàng, dù chỉ bàng hoàng có một tí thôi, — không phải vì tôi vẫn ở đây một mình, dù cũng gần đúng như thế, cũng không phải vì "A-lô", từ đầu tới giờ thỉnh thoảng vẫn "A-lô", mà là vì cái giọng đã "A-lô".
Quả thật giọng "A-lô" này thì tôi tuyệt đối không ngờ là sẽ nghe thấy ở đây, hôm nay, dù tôi một cách chính thức có thể coi là thành viên ban tổ chức. Nên tôi vội vàng tụt hẳn cái tai nghe xuống cổ, giỏng hết tai lên, rồi đến chỗ "toàn trẻ con ấy" thì không nhịn được, tôi bèn thò đầu ra nhòm.
Không thể phân biệt được thứ tự của mấy việc "vâng", nhìn thấy tôi, và cười, của nó, cho nên một cách trung thực thì cũng không thể xác định được sao nó cười, nhưng tôi vẫn cười lại với nó, cười nửa miệng, và gật đầu nhẹ một cái.
— A-lô, thế thì... còn sớm thì đến câu lạc bộ chơi, vâng, vâng. — Nó nói tiếp, cười thêm, và cúp máy. Vẫn không thể biết nó cười với ai, và nó cũng không nhìn trực tiếp, nhưng đúng là mắt nó để về phía tôi trong lúc nó đi ra khỏi phòng.
Sinh nhật thằng Phê-đi-a.
Chất giọng "chỉ huy pháo binh" của nó đang nổi lên rất rõ ở ngoài kia:
— Ê ê... Tắt đi!
Nhạc phụt tắt, tiếng nhao nhao rộ lên râm ran, nhất là tiếng bọn con gái:
— Trật tự cái nào! — Thằng Phê-đi-a vẫn dõng dạc. — Bây giờ sẽ là... Vũ Điệu Màu Trắng! Ô-kê?!
Tiếng phản đối lần này còn rầm rộ hơn, tỉ lệ tiếng con gái cũng tăng, nhưng thằng "chỉ huy" Phê-đi-a có vẻ như đang hiểu là bọn con gái bất bình chẳng qua là để mà tỏ thái độ thế thôi:
— Trật tự, trật tự đê!.. — Nó "ra lệnh". — Vũ Điệu Màu Trắng! Không có phản đối gì hết!
Bỗng tôi phì cười, — thoáng qua trong đầu tôi, là hình ảnh một đứa con gái mặc chiếc váy dài màu hạt hạnh, có nhiều đăng ten ở ngực, đang đứng, hoặc ngồi, đầy chán nản một mình ở một góc nào đó. Một khi mà đã "như là toàn trẻ con ấy", thì còn nhảy trắng, nhảy đen cái quái gì nữa, — Vũ Điệu Màu Trắng là con gái mời con trai mà...
Nhưng tôi chợt thấy lo.
Buổi đú đởn hôm nay, tôi — "của người phúc ta" — là nhà tài trợ chính về băng đĩa. Trong số những bài dễ được chọn làm Vũ Điệu Màu Trắng rất dễ có bài "Vũ Điệu Màu Trắng", vì tên nó — có ghi trên vỏ băng — đúng là như thế, nhưng bài này là một bài hát phản chiến có nội dung rất là thương tâm:

"Vũ Điệu Màu Trắng, Vũ Điệu Màu Trắng...
Sao lại thế được? Thiếu trung thực quá!
Anh ở đâu, hỡi người Nga-Áp-ga-nít-xtăng của em?
Cô dâu của anh đang đợi anh đây này!.."

Và người đã sốt sắng đảm trách chân "chủ nhiệm âm thanh" ngày hôm nay, là thằng Mê-chi-a.
Cho nên tôi gần như đã thở phào lúc tiếng sáo sắt thanh thoát thổi lên một giai điệu thật quen. Nhưng lập tức, giống như đến ngay cùng với tiếng sáo và "thở phào", là một cảm giác bàng hoàng khác, — lần này rất thật sự.
Dạo mới quen, có lần tôi lên Nhà Văn Hóa tìm, và gặp họ đang dạy nhau nhảy Van-xơ, — chỉ hai người trên sàn gỗ rộng thênh thang màu nâu nhàn nhạt, sạch sẽ và bóng loáng, ở tầng hai, tối nhiều sáng ít, trong tiếng đàn pi-a-nô hơi "loang lổ" của một nhạc công có râu và ria dài nhưng không rậm, nên trông hơi giống râu dê.
Lúc sau ngồi trong nhà hàng ở đấy, Phi Long đã nhăn nhó. Không phải vì đã trót giẫm mấy phát vào chân "vũ sư" A-nhi-a, — ở Việt Nam quê anh, tức là quê ngoại tôi, có lẽ gần trăm phần trăm dân số không biết nhảy điệu này. Cũng không phải vì việc học hành không thăng tiến, — chính "vũ sư" đã khẳng định ngược lại.
Mà vì điệu Van-xơ này.
Hóa ra Phi Long đã biết nó, — đây là điệu nhạc chủ đề trong bộ phim nổi tiếng "Con thú dịu dàng và êm ái của em", phim được làm theo truyện "Bi kịch trong buổi đi săn" của Trê-khốp, đã được dịch và chiếu trên kênh truyền hình trung ương — kênh trắng đen, Phi Long bảo cũng là kênh duy nhất lúc ấy — ở Việt Nam.
Nhân vật nữ chính — cô Ga-lin-na Ben-lai-ép-va đóng — bị giết, Phi Long nhăn nhó, A-nhi-a cười vì sự nhăn nhó đó rất nghiêm túc, tôi hỏi:
— Sao không nhảy bài khác?
— Ph... — Phi Long cũng không nhịn được cười. — Anh Va-lô-đi-a biết đánh mỗi bài ấy.
Những người "đàn sáo" ấy, đại khái ai cũng đánh được vài loại nhạc cụ, nhưng mỗi người thường chỉ sở trường một thứ.
Ban tổ chức, nên hôm nay tôi đến sớm, để "chỉ đạo" thằng "chủ nhiệm âm thanh" Mê-chi-a triển khai hệ thống loa đài. Tôi đến, vác theo cái tăng âm Am-phi-tôn nặng tới gần chục cân, khệ nệ thêm một túi du lịch đựng băng đĩa, thì nó ra mở cửa, rõ là đang sốt ruột, còn thằng Phê-đi-a lúc ấy đang thò đầu vào bếp, hỏi váng lên:
— Các vị... vẫn chưa chuẩn bị đi xem phim ạ?
— Hôm nay bố hơi mệt, nên ngại đi... — Mẹ nó nói như có lỗi.
Giọng bố nó xen vào:
— Chờ bố ăn nốt, rồi bố mẹ sẽ về phòng mình ngay.
— Không cần vội đâu bố, nhưng cũng đừng... thong thả quá. Miễn là bọn nó đến không gặp các vị... Chứ... sinh nhật mà có phụ huynh, thì như quả khí cầu... Phù-ù-ù!.. — nó minh họa bằng một động tác tay... — thủng một lỗ.
Tôi cũng có một chút mong ngóng khi đến đây, — chuyện này rất riêng tư.
Kể từ hôm chữa điểm Sinh Vật, giao tiếp giữa tôi và Cla-ra bị thành ra rất là gượng gạo và nhạt nhẽo. Thêm cả chuyện ấy, thì tôi nghĩ đến nó nhiều hơn; buổi tối ngồi làm bài khuya, tôi cứ nhớ mùi nó nồng nồng lúc nó lom khom đằng sau tôi và nhòm vào màn hình máy tính, nhớ ngực nó cọ vào lưng tôi lúc hai đứa đi xe đạp với nhau; và tôi vẫn mong có dịp — đừng gượng gạo quá — để có thể chuyện trò thân mật được như trước, may ra sẽ hình dung rõ ràng hơn, rốt cuộc bây giờ nó nghĩ về tôi thế nào.
Cho nên lúc giọng hát của An-la Pu-ga-trốp-va bị liên tục gia giảm một cách rất lung tung và tùy tiện (thằng Mê-chi-a đang một tay ôm cái tai nghe to sụ trên đầu, một tay liên tục xoay và bấm các nút điều chỉnh tiếng, đầu nghiêng nghiêng, người nhún nhảy, mắt lúc lúc lại liếc vào tấm gương to), và biết là hôm nay Cla-ra sẽ không đến (thằng Phê-đi-a đã làu bàu về việc này), thì tôi lẳng lặng tìm băng nhạc "Tâm hồn cao su" của Bít-tơn, cho vào cái oắc-men Sô-ni mới mua của thằng Giê-nhi-a, nhặt thêm "Công tước của sự im lặng" của Nau-ti-lút Pôm-pi-lút, thêm một cái băng tuyển tập, có bài "Thành phố bằng vàng", rồi rời phòng khách qua đây, — chỗ này chắc là phòng làm việc của bố thằng Phê-đi-a, nhưng hôm nay rất không được ngăn nắp, vì có nhiều thứ bị khuân từ phòng khách sang. Tôi ủi chiếc ghế bành to, bụ bẫm và ấm áp, bọc da màu yên ngựa, đến trước cái ti-vi ở trong góc, rồi lựa một tư thế lười nhác thoải mái nhất, ngồi nghe nhạc và xem khúc-côn-cầu.
Tôi đã chụp lại tai nghe, nhưng một lát vẫn chưa bấm nút "Play". Trên đời đúng là có những thứ mà không nghĩ đến thì thôi, còn nghĩ, thì nó sẽ dính ngay vào tâm trí, tức thời không cách gì có thể gạt ra được, còn nữa, là có những người biết cách làm ra những thứ như thế, và cả nhà văn Trê-khốp lẫn đạo diễn La-chi-an-nu lại đều thuộc số này, — hình ảnh nàng Ôn-ga Xkờ-vo-rxốp-va váy trắng, khăn voan trắng, vừa xoay tròn trong vòng tay chú rể, vừa te tua nước mắt cứ một mình gạt hết những hình ảnh khác ra khỏi suy nghĩ của tôi.
— Cô Ô-li-a ơi, sao cô lại khóc?
Chỉ đến lúc một đứa bé tóc vàng và quăn, vẻ mặt hiền lành, đứng ở bên vòng nhảy hỏi to lên như vậy, ý nghĩ của tôi mới nối liền từ ánh mắt của "cô Ô-li-a" không hiểu sao lại vừa cưới vừa khóc ấy, sang cái ánh mắt mà đã "để về phía tôi" ban nãy.
— Sinh tồn như này rốt cuộc nó là cái khỉ gì? Tao... hình như đây đếch phải tao...
Một lần Phi Long ngồi trên giường, ngậm điếu thuốc đã một lúc vẫn chưa châm, vừa đọc cốt chương trình in trên băng giấy dài, vừa bảo với anh Kốt-xchi-a thế; anh Kốt-xchi-a mới đẩy kính cận lên, còn chưa nói gì, thì anh A-li-ô-sa đã nhảy bổ lên giường, đè cổ Phi Long xuống, gọi:
— Xéc-giô em, mang anh cái gương, mau!
Anh Xéc-giô cười hì hì, cầm cái gương con của A-nhi-a bò lên giường, rồi hai anh soi cái gương vào mặt Phi Long, soi từ bên trái, soi từ bên phải, rồi soi vào mặt anh A-li-ô-sa:
— Thằng này có phải thằng Phi Long không, hả mày? — Anh A-li-ô-sa cau mày, hỏi.
Anh Xéc-giô tự soi cái gương vào mặt mình, ngắm nghía:
— Đúng mà, đúng thằng Phi Long, vẫn mê mẩn cái con bé gì mà A-nhi-a Phi-long-nhi-na đây mà...
— Không mày thì ai? — Anh Kốt-xchi-a vừa cười, vừa lắc đầu, nhìn Phi Long, hỏi.
— Làm sao tao biết được? — Phi Long, đã được thả ra, nhăn nhó. — Đây là một cái vai nào đó.
Ờ, nếu như mà cuộc sống là một vở kịch thật, thì lúc này tôi đang rất thuộc vai của mình, — những hành động vai này sắp phải thực hiện tôi đều đang nhớ rõ mồn một. Tôi ra đến nơi thì Vũ Điệu Màu Trắng đã kết thúc, ánh sáng xanh đỏ đang nhấp nháy loạn xì ngậu, còn bọn "toàn trẻ con ấy" thì đang mồ hôi mồ kê, tưng bừng trong "Những ngọn lửa tình" của Phen-xi. Thấy tôi tới, thằng Mê-chi-a hình như hoảng, — hẳn là lo cho chức vị "chủ nhiệm âm thanh" tương đối bấp bênh của mình, — tôi phải nắm bàn tay phải lại, vểnh ngón cái lên, dứ dứ mấy cái, để trấn an nó. Nhưng theo biểu hiện thì chỉ đến khi tôi đã tìm được cái băng nhạc của tôi, cho vào cái oắc-men đeo ở thắt lưng, rồi rời khỏi phạm vi tác nghiệp của nó, nó mới có vẻ thật sự yên lòng.
Dù mọi thứ đều láo nháo và thiếu sáng, nhưng vừa vào đây, tôi đã định hướng được ngay, — tôi len lỏi tới nơi thì cái đứa đang đòi "đem cháu ra khỏi đây" vẫn đang đứng quay lưng lại với đám đông, trước cái bàn to bày biện đồ uống ở góc phòng, chắc là đang giải khát.
Mà chắc không chỉ giải khát. Vừa bốc một thứ gì đó đút vào mồm xong, thì bàn tay nó bỗng khựng lại, nằm im dang dở trong không khí, — từ phía sau, tôi đã nhẹ nhàng chụp cái tai nghe Sô-ni vào tai nó.
Đã có một dấu lặng — ngắn hay dài tôi không dám nói, vì tôi thật sự cũng không mấy tin vào cảm nhận ngắn dài của mình lúc này — trước khi tôi lại phải đối diện gần thế với đôi mắt có màu sắc phi tự nhiên, càng phi tự nhiên hơn trong không gian ánh sáng được bài bố nhằm chủ đích cung phụng cho sự đú đởn của quần chúng choai choai, đôi mắt có màu vỏ của một quả dưa hấu, mà phải là dưa già khụ ấy.
Trong một thoáng, tôi đã rất lo... rất sợ mới đúng, là nó sẽ không hiểu ý tôi, người mà đương đâu, đường đột vô duyên cớ, đã úp — lại — vào tai nó cái điệu Van-xơ trong phim ấy...
Nhưng nó đã đưa tay lên, tay trái, khuỷu tay co, bàn tay úp xuống, buông lỏng trong một tư thế tự nhiên và nhẹ nhàng; lồng ngực tôi chợt nhẹ bẫng, nhưng tôi lại thót ngay hết ruột, — tôi rất sợ nó sẽ lại nở cái nụ cười vùi dập ấy...
Nhưng nó chỉ cười bằng mắt, êm ả lắm, rồi nó cất giọng mượt mà, vui vui, khẽ khàng nhưng không hiểu sao tôi nghe rất rõ trên nền tạp âm thật nhốn nháo và ầm ĩ này:
— Cho phép đề xuất với anh một vòng Van-xơ.
Goóc-ki không biết nói như thế, Trê-khốp cũng không nói thế, — chỉ có Pút-skin, Tuốc-ghê-nhép, Tan-xtôi... với những người dự vũ hội trong một cái cung điện nào đó ở bên bờ sông Nhê-va mới nói như thế... Nhưng tôi không nghĩ thêm về chuyện này, — chẳng nghĩ được, mắt tôi đang hoa lên.
Và chúng chỉ hết hoa lúc tôi giẫm một phát vào chân nó. Vội vàng, tôi ghé lại thật gần, hy vọng nó sẽ nghe thấy tôi qua một lần tai nghe Sô-ni:
— Ta-nhi-a à, tớ không nghe thấy nhịp đâu.
Nó không nói gì, nhưng bàn tay trái của nó ở bên vai tôi khẽ nắm nhè nhẹ, như an ủi... mà... Không phải an ủi!
Ngón cái, bốn ngón kia, bốn ngón kia, ngón cái... — đấy là nhịp Van-xơ của tôi.
Điện thoại ở phòng bên không có người trực, mà nếu có, thì cũng sẽ có những người này, người kia "đang bận lắm ạ... không thể nghe điện thoại được", — hôm nay chú Gô-ga nào đó ở ngoài phố chắc sẽ phải đợi chờ tương đối lâu.

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...