Lập Trình Viên II (38)

"Suốt dọc đường, mọi cơ chế suy đoán trong bộ máy thần kinh cơ trí của Tư Thiên đều được ngấm ngầm vận động tối đa, nhưng chỉ tới khi A Chính thật sự xáp mặt Bảy Viễn, thì cơ sự mới được làm sáng tỏ.
"Buổi chiều đó, khi Tư Thiên lại mải ngắm kỳ kinh bát mạch, thì A Chính bận tiếp một người khách trẻ; trẻ lắm, chỉ quãng mười tám... không quá đôi mươi. Mặc bộ đồ xá-xẩu..." — chú Phiên duỗi nhẹ hai tay, rồi xoay mũi bàn tay phải chỉ chỉ vào bộ đồ mình đang mặc. — "bộ đồ đã cũ, màu đã phai... thậm chí vải đã sờn, nhưng trông tinh tươm, vai khoác một chiếc bị cói nát, đó là một chàng thư sinh hay cười, nụ cười tươi tắn nhưng có phần rụt rè, thậm chí rút rát, trên gương mặt xương xương nhưng hiền lành, trắng trẻo nhưng xanh xao; nom như một cậu bé dễ thương lần đầu được mẹ dắt tới trường."
Rõ ràng có một cảm nhận gì đó rất dễ chịu trong giọng nói và nụ cười của chú Phiên, tôi kịp thoáng nhận ra, nhưng nghĩ không kịp về nó.
— Sau một loạt đánh cầm chừng, tới ván quyết định... à họ đấu nhau bằng bài cào... — Nhìn thấy tôi khẽ gật đầu, chú Phiên mới tiếp. — Chiếc bị cói đựng tiền khoác vai hồi nãy đã dốc ra sạch, A Chính tự bắn đáy cho mình một tụ bài chín nút, nhưng người thanh niên chẳng bóp chẳng nặn, lẳng lặng lật bài mình, cười rụt rè:
"— Có vậy thôi, cào.
"Trên chiếu là hai lá Bồi, — Cơ, Chuồn, — và một lá Đầm Bích. Ngay cả A Chính cũng động dung. Y ngó sững đối thủ, rồi không mở bài mình, nhận thua.
"— Đệ ấy đi rồi. — A Chính nói với Bảy Viễn. — Nó không muốn lưu lại danh tính. Kỳ nghệ nó cao lắm. Ngộ thua lần này là cam bái hạ phong...
"Y xua tay trước cái nhìn của Bảy Viễn:
"— Bữa nay là ngộ thua rồi, cái hẹn hôm tới thì thôi khỏi đấu nữa. — Y nhìn Tư Thiên, rồi nhìn Bảy Viễn. — Nên là không cần dằng dai. Giờ cái nị muốn xử ngộ sao cũng được, ngộ nếu có nửa lời...
"Tư Thiên còn đang tính nói đỡ vài lời, xin giúp cho người bạn bất đắc dĩ, mà sau một hoàn cảnh tiếp xúc, y nếu không muốn nói là quý mến, thì cũng khó thể nói là không có chút cảm tình, thì đã thấy Bảy Viễn vỗ vai A Chính:
"— Hết chuyện rồi, thôi bỏ đi.
"Rồi rủ A Chính ra bờ hồ xem cá sấu ăn."
Chú Phiên ngừng lời, đưa mắt nhìn kiểu không nhìn vào đâu cả. Tôi có điều muốn hỏi nhưng nhất thời lại chưa muốn hỏi ngay. Một lát, ánh mắt chú Phiên mới quay trở lại:
— A Chính muốn rời Sài Gòn ngay hôm sau. Buổi sớm, y tới ngồi cà-phê vỉa hè với Tư Thiên ở ngã ba trước cổng Đại Thế Giới. Ban mai, vỉa hè Sài Gòn vừa mát mẻ, lại vừa có nắng ấm, cà-phê vỉa hè là nơi có nhiều dư luận, người ngồi đó nhâm nhi, còn bên đời xe ngựa bắt đầu ngược xuôi, — với nhiều cư dân thành phố, nó là một niềm vui cố định mỗi ngày. Một chiếc xe Thrắc-xông màu đen nhấn ga chạy ngang, quẹo tay mặt, ôm sát cua, cách chỗ hai người đang ngồi có vài mét; từ băng sau có một nòng tiểu liên chĩa ra, đạn vãi xối xả; cả hai đều chết ngay tại chỗ; án mạng không tìm ra thủ phạm.
Anh Ngạn rót thêm rượu cho đầy các chén, nhưng cả tôi và anh đều không động tới chúng; chú Phiên để bàn tay cạnh chén rượu, ngón cái và ngón trỏ với lên, xoay cái chén một cái, rồi lại xoay một cái... Một lát, chú mới tiếp, không ngắt quãng câu chuyện một chút nào về ngữ điệu:
— A Chính chết, Tư Thiên chết, Bảy Viễn sau đó thua trận chạy qua Pháp, rồi chết lưu vong ở ngoại ô Pa-ri. Hồ cá sấu không còn, trên nền đất cũ của Đại Thế Giới đã mọc lên một công trình công cộng khác. Người chết, vật chết, nhưng những câu chuyện thì không có hồi kết. Mọi câu chuyện đều không bao giờ kết thúc, — lúc nào chúng cũng tiếp tục, chỉ chuyển chỗ, lúc thì qua bên này, lúc thì qua bên kia vạch ranh giới giữa trong và ngoài sự chú ý. Mà câu chuyện như vầy, thì đâu cần phải nói sâu xa, — theo cách hiểu đơn giản nhất cũng không khó nhận ra là nó không thể kết thúc ở loạt tiểu liên trên vỉa hè trước cổng Đại Thế Giới.
"Đưa xác A Chính ra khỏi Việt Nam không phải thân quyến, mà là huynh đệ đồng môn.
"Sư phụ của A Chính trước đây từng là một con bạc rất danh tiếng trong giới đổ bác Á Châu. Trong một ván đấu sinh tử, không ngờ gặp phải đối thủ biết dùng thuật thôi miên, ông ta bị thua, và phải uống thuốc độc; may có người bạn thân, là người có uy tín lớn trong đổ giới, đứng ra nhận làm kẻ thế mạng — tức là bán mạng cho người thắng, — xin cho, ông ta mới không phải tự tận. Nhưng thói đời đánh kẻ ngã ngựa, sát phạt lên được tới đỉnh cao, ngã thì càng thê thảm. Ông ta đã phải lưu lạc khắp nơi; sau do một chuyện tình cờ, bảo vệ được một cô bé con, lại là con gái của vị thủ lĩnh nhóm I-a-ma-gu-chi Gum-mi, một băng đảng I-a-ku-da có địa vị rất lớn ở Nhật Bản, ông ta mới yên ổn lưu lại được ở Nhật trong một thời gian; ở đó, ông ta đã khổ luyện được phương cách khắc chế bài thuật thôi miên. Được I-a-ku-da chống lưng, ông ta trở về Hồng-kông, phục thù và lấy lại được địa vị của mình... Sao cơ?" — Chú Phiên nhìn tôi.
— Dạ, I-a-ku-da... — Tôi rụt rè.
— À, I-a-ku-da ở Nhật như Ma-phi-a ở Ý, Tam Hoàng ở Tàu...
Thấy tôi gật gật, chú Phiên tiếp:
— Sư phụ A Chính có nhiều đệ tử, nhưng lớp đệ tử đó, chỉ có A Chính là kỳ tài đổ học. Các đệ tử lớp sau cũng chỉ ở mức gắng giữ được sở học của thày. Nhưng chuyện Đại Thế Giới thì họ không quên; ngay cả Đại Thế Giới cũng không còn, nhưng họ vẫn chờ.
"Và họ cũng được toại nguyện. Mấy chục năm trôi qua, trong lớp đệ tử bạc môn, cuối cùng đã xuất hiện đột phá.
"Sư phụ A Chính lúc tuổi đã ngoại tám mươi lại thu nhận một đệ tử chân truyền. Hồng Quảng Hào gốc người Phúc Kiến; A Chính gặp nạn ở Chợ Lớn, thì Hồng còn khóc oa oa; lúc nhập môn, tuổi Hồng đã tam tuần; cho tới đó, Hồng chỉ làm một người coi phòng thí nghiệm ở trường đại học. Nhưng năm năm sau, mặc định, Hồng đã được thừa nhận là người sẽ chính thức kế thừa y bát của sư phụ.
"Đánh đông dẹp bắc, đương đại, Hồng được coi là không có đối thủ; nhưng về trận thua ở Chợ Lớn, thì họ vẫn còn thận trọng. Hồng đã từng tới Sài Gòn, — có hai đệ tử được bạc ôm hết tiền bỏ trốn, lần đó Hồng thừa lệnh sư phụ qua đây chỉ để thanh lý môn hộ.
"Tới lần này, mừng thọ chín mươi tuổi sư phụ, mới là lúc Hồng muốn tính lại sổ Đại Thế Giới năm xưa.
"Chừng hơn hai tháng trước, y đã có mặt tại Sài Gòn, đã ghé thăm khắp các sòng lớn nhỏ, tới đâu cũng lột sạch các cao thủ áp sòng — với y lúc này mà nói, chuyện này có lẽ là tương đối giản đơn, — nhưng y chủ ý chừa lại ba nơi.
"Cao thủ áp sòng ba nơi này đều là dân Bình Thiền, Đồng Nai, — kỳ bẽo gốc Bình Thiền cũng kiểu như Ma-phi-a gốc Si-xin, — và cả ba đều học nghệ cùng một thày.
"Thày của họ chính là người thanh niên khoác chiếc bị cói đã tới tiệm thuốc bắc kế bên Đại Thế Giới năm xưa.
"Chơi vậy là đĩnh đạc, — coi bộ họ Hồng đã bài binh kỹ lưỡng và rất chắc chắn trong hành động. Sau loạt trận "đánh tiếng" gọn gàng, đổ trường thành phố lại yên ắng ngay như chưa từng có chuyện xảy ra, — y chủ ý dành cho đối thủ đủ thời gian để chuẩn bị ứng chiến.
"Tới tuần trước nữa, y mới xuất hiện tại một trong ba sòng bài kia.
"Long tranh hổ đấu, tất nhiên phải khác trâu bò đánh nhau. Nếu còn có dịp thư thả hơn, cậu muốn, tôi sẽ thuật lại cậu nghe chi tiết về ván đấu này, — vả lại đổ cuộc như vầy, tình tiết không hề đơn giản, lại mới đây thôi, nên thiệt tình tôi cũng cần có thời gian và tâm trạng để hình dung cho đúng.
"Không đơn giản, và họ Hồng chỉ giành thắng trong đường tơ kẽ tóc; nhưng đấy chỉ là sự việc trực tiếp; còn thực chất, thì bản thân người bị thua xuýt xoát cũng hiểu rất rõ ràng rằng ở đây nếu nói "kẻ tám lạng, người nửa cân" thì sẽ phải hiểu theo nghĩa cân lạng thông thường..."
Chú Phiên lại ngừng dở chừng, cứ nhìn tôi có ý chờ, nên tôi nhăn nhăn mũi, hình như hơi nóng mặt, cảm thấy ái ngại thật sự về những sự không thấu đáo của mình:
— Cái kẻ tám lạng người nửa cân này... vậy là thông thường... là không đúng là bên năm bên tám ạ?
— Bên năm bên tám... — chú Phiên cười — thì còn ví von chi nữa? "Lạng" đây là "lượng", lượng vàng ấy. Mười sáu "lượng" là một "cân", một cân là sáu trăm gam, — đây là đơn vị đo lường thời xưa.
Tôi lắc lắc đầu, cười ngượng nghịu, mặt đúng là nóng — chắc đỏ thật...
— Ngay cả sư phụ không thiên vị ai, — chú Phiên đã tiếp tục ngay, chắc không muốn tôi bị bối rối lâu, — thì đệ tử cũng người cao kẻ thấp; và — có lẽ thế — họ Hồng đã chọn người giỏi nhất để đánh trận đầu; cho nên hai trận kế tiếp có thể nói là ít nhiều chỉ còn mang tính hình thức, — cờ bạc đã tới độ này, nói chung rất khó có thể đặt hy vọng lên những sự may rủi.
"Tuy nhiên, lại vẫn có một chuyện mà ngay cả một tay kỳ tài như Hồng Quảng Hào cũng không thể lường trước được.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...