Vé trúng số






VÉ TRÚNG SỐ
(A.P. Trê-khốp)






I-van Đmi-tờ-rích, một người thuộc hạng trung lưu, gia đình hàng năm tiêu chừng một ngàn hai trăm rúp, thường rất thỏa mãn với số phận của mình, có lần sau bữa ăn tối ngồi vào đi văng và bắt đầu đọc báo.

— Hôm nay tôi quên liếc qua tờ báo, — bà vợ ông vừa dọn bàn vừa nói. Mình xem xem báo hôm nay có đăng kết quả xổ số không?

— Có, có đăng. — I-van Đmi-tờ-rích đáp, — thế vé số của mình không bị ký quĩ đấy chứ?

— Không, hôm nay thứ ba tôi lấy lãi phần trăm ra.

— Thế vé số của mình thế nào?

— Xê-ri chín nghìn bốn trăm chín mươi chín, vé số hai mươi sáu.

— Được để xem nào... chín nghìn bốn trăm chín mươi chín và hai mươi sáu.

I-van Đmi-tờ-rích không tin vào vận may xổ số, nếu vào một lúc nào khác thì chắc chắn là ông đã chẳng buồn ngó vào bản kết quả xổ số, nhưng lúc này vì không có việc gì làm và hơn nữa, báo lại nằm ngay trước mắt — ông đưa ngón tay từ trên xuống dưới theo cột số xê-ri. Liền ngay đấy, như là để giễu cợt nỗi hoài nghi của ông, ngay dòng thứ hai từ trên xuống, con số 9499 nổi rõ đập vào mắt ông! Không kịp nhìn tiếp số vé còn lại, không kịp kiểm tra lại, ông vội vàng đặt tờ báo xuống gối như có ai té nước lạnh vào bụng, ông cảm thấy lòng dịu lại đầy thú vị, vừa buồn buồn như có kiến bò, vừa sờ sợ, vừa ngọt ngào mê ly!

— Ma-sa, đúng chín nghìn bốn trăm chín mươi chín rồi! — Ông nói, giọng lạc hẳn đi.

Bà vợ nhìn lên bộ mặt hốt hoảng đầy kinh ngạc của ông và hiểu rằng ông không đùa.

— Chín nghìn bốn trăm chín mươi chín à? — Bà hỏi lại, mặt tái đi, tay đặt chiếc khăn đã gấp lại xuống bàn.

— Đúng, đúng thế... Thật thế đấy?

— Thế còn vé số, ừ nhỉ, còn vé số nữa. Nhưng mà thôi... hãy khoan đã. Thì cứ trúng phần xê-ri đã! Thì cứ thế đã, mình hiểu không? . . .

I-van Đmi-tờ-rích nhìn vợ há hốc miệng cười vô nghĩa hệt như đứa trẻ vừa được người lớn cho xem một vật gì kỳ lạ. Bà vợ cười, cũng như ông chồng, bà cảm thấy thú vị khi ông mới chỉ đọc số xê-ri chứ chưa vội biết đến số vé may mắn. Tự dày vò và trêu trọc mình bằng hy vọng có thể giàu to — điều ấy thật ngọt ngào, êm dịu và đáng sợ biết bao?

— Vé mình trúng phần xê-ri rồi. — I-van Đmi-tờ-rích nói sau hồi lâu im lặng. — Có nghĩa là chúng ta có khả năng trúng số. Chỉ là khả năng thôi, nhưng mà là có thể. Thôi, bây giờ mình đọc tiếp đi.

— Khoan đã. Muốn thất vọng cũng còn kịp, sẽ còn có dịp thật chán. Đây là dòng thứ hai từ trên xuống, vậy giải thưởng sẽ thuộc loại bảy mươi lăm nghìn rúp. Đó không phải là tiền bạc nữa, mà là sức mạnh, là vốn liếng làm ăn to? Nhỡ bây giờ tôi nhìn lại bảng kết quả và số vé là hai mươi sáu thì sao! Hả? Mình nghe này, nếu quả thực là chúng ta trúng số thì sao?

Hai vợ chồng cười phá lên và im lặng nhìn nhau rất lâu. Khả năng phát tài to làm cả hai choáng váng, không còn biết mơ tưởng thế nào nữa, không mở miệng ra mà nói được xem cả hai cần đến số tiền 75,000 rúp kia làm gì, họ sẽ mua sắm gì, đi những đâu. Hai vợ chồng chỉ còn nghĩ đến những con số 9499 và 75,000, hình dung chúng ra trong óc, còn về cái hạnh phúc hết sức gần gũi kia thì không hiểu sao họ lại không nghĩ đến.

I-van Đmi-tờ-rích cầm tờ báo trong tay đi đi lại lại trong phòng, và khi đã bình tâm trở lại sau ấn tượng ban đầu, ông mới bắt đầu mơ ước.

— Nếu chúng ta trúng số thật thì sao? — Ông nói. — Đó là cả một cuộc đời mới, một bước ngoặt dữ dằn. Vé là của mình, nhưng nếu nó là của tôi thì tất nhiên trước tiên tôi sẽ bỏ ra khoảng hai mươi lăm nghìn để mua một bất động sản như trang ấp chẳng hạn, khoảng mười nghìn để chỉ dùng ngay vào những ngày này: sắm sửa đồ đạc... đi du lịch, giả nợ và v.v... Bốn chục nghìn còn lại sẽ gửi vào nhà băng lấy lãi...

— Đúng rồi, mua trang ấp là phải lắm, — bà vợ vừa nói vừa ngồi xuống và đặt hai tay lên đầu gối.

— Mua ở mạn tỉnh Tu-la hay A-ri-ôn ấy... Thứ nhất là không cần phải có nhà nghỉ ngoại ô nữa, thứ hai là đằng nào cũng có hoa lợi.

Trong trí ông nối tiếp nhau hiện lên những cảnh tượng khác nhau, cảnh sau êm ái, thơ mộng hơn cảnh trước, và trong tất cả những cảnh ấy bao giờ ông cũng tự thấy chính mình là người no nê, bình thản, khỏe mạnh nhất, ông cảm thấy ấm lòng, thậm chí nóng rực cả người lên nữa! Này đây, sau khi ăn xong đĩa xúp mát lạnh như băng, ông nằm ngửa bụng trên bãi cát nóng ven bờ sông nhỏ hoặc nằm trong vườn dưới bóng cây đoạn... Trời nóng quá... Đứa con trai và đứa con gái ông thì bò bên cạnh, nghịch cát hay bắt cào cào châu chấu trong đám cỏ. Ông nằm thiu thiu, không nghĩ ngợi một điều gì hết, ông cảm thấy rõ ràng ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia, không bao giờ ông phải đi làm. Và khi nằm đã phát chán, ông bỏ ra chỗ cắt cỏ hay là đi vào rừng hái nấm, hay là xem bọn nông phu kéo lưới bắt cá. Khi mặt trời lặn, ông lấy khăn bông, xà phòng rồi lững thững đi ra bãi tắm, ở đấy ông từ từ cởi quần áo ra, lấy tay xoa xoa bộ ngực trần của mình rất lâu rồi đầm mình xuống nước. Dưới nước, bên những đám bọt xà phòng đùng đục, đàn cá nhỏ bơi tung tăng, những sợi rong xanh khẽ đung đưa. Sau khi tắm sẽ uống nước chè với kem và bánh mì sữa vòng... Buổi tối thì đi dạo hay là đánh bài với mấy ông hàng xóm.

Phải đấy, cứ mua một trang ấp là hơn, — bà vợ lên tiếng, bà cũng đang mơ tưởng, nhìn vẻ mặt cũng có thể thấy rằng bà đang say sưa với những ý nghĩ của mình thế nào.

I-van Đmi-tờ-rích vẽ ra cho mình cảnh mùa thu với những cơn mưa, với những buổi chiều lạnh và với mùa hè rớt. Vào thời gian này cần phải cố ý đi chơi lâu hơn trong vườn, bên bờ sông cho đến lúc người cảm thấy ớn lạnh rồi hãy về nhà và sau đó, uống một cốc vốt-ka thật to, nhắm với nấm mầu hung muối hoặc dưa chuột muối rồi lại uống tiếp cốc nữa. Bọn trẻ con chạy từ ngoài vườn vào tay cầm cà-rốt, củ cải còn thơm hương đất... Sau đấy thì đặt mình xuống đi văng, chậm rãi lật xem một tờ họa báo nào đó, một lúc sau phủ tờ họa báo lên mặt, cởi khuy áo đi lê ra và thiêm thiếp ngủ...

Sau những ngày hanh nắng tiếp đến là những ngày u ám mưa lai rai. Mưa rơi ngày rơi đêm, những thân cây trần trụi khóc than, gió ẩm ướt và lạnh. Chó, ngựa, gà tất cả đều ướt át, ủ rũ và sợ sệt. Chẳng có chỗ nào mà dạo chơi, không thể nào đi ra khỏi nhà được, suốt ngày cứ phải đi đi lại lại trong phòng từ góc phòng này đến góc phòng kia và ngán ngẩm nhìn ra ngoài khung cửa sổ u ám. Thật là buồn I-van Đmi-tờ-rích đứng dậy và nhìn vợ.

— Mình biết không, Ma-sa, tôi cũng muốn đi chơi nước ngoài một chuyến, — ông nói.

Và ông bắt đầu nghĩ thật là thú vị nếu có thể đi ra nước ngoài vào cuối mùa thu này, chẳng hạn đi về miền Nam nước Pháp, đi Ý... hay đi Ấn Độ!

— Tôi thế nào cũng phải đi ra nước ngoài, — bà vợ nói. — Nào, mình nhìn tiếp số vé xem sao?

— Khoan đã, chờ một chút đã nào... — Ông đi lại trong phòng và tiếp tục nghĩ ngợi. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu ông, nếu quả thật vợ ông cũng đi ra nước ngoài thì sao? Đi du lịch như thế chỉ thú vị khi nào đi một mình hoặc hơn nữa là đi với đám phụ nữ nhẹ dạ vô tư chỉ biết có giây phút hiện tại chứ không phải là với loại người đàn bà suốt dọc đường chỉ nghĩ và nói đến chuyện con cái, thở dài thườn thượt, luôn sợ hãi và tính toán chi li từng kô-pếch. I-van Đmi-tờ-rích hình dung ra vợ mình trong toa tàu với đủ thứ bọc, bị, túi xách; bà ấy buồn rầu nghĩ ngợi điều gì và than vãn rằng bà bị đau đầu trong chuyến đi và tiêu tốn quá nhiều tiền, mỗi khi tàu dừng lại ga là lại chạy đi mua nước uống, bánh mì kẹp xúc xích... Bà ta không thể ăn bữa trưa cho đàng hoàng được vì như vậy thì tốn tiền nhiều...

"Thế nào bà ấy cũng lại tính với mình từng kô-pếch cho coi," — ông nhìn vợ và nghĩ. — "Vé là của bà ấy, đâu phải của mình! Nhưng mà bà ấy đi ra nước ngoài làm gì? Chắc lại ngồi lì trong buồng khách sạn và chẳng chịu thả mình đi đâu cả... Mình biết thế nào mà..."

Và lần đầu tiên trong đời, ông để ý thấy rằng vợ ông đã già đi nhiều, trông thô ra, người thì đầy mùi bếp núc, trong khi ông thì còn trẻ, tươi khỏe, giá có lấy vợ nữa cũng còn được.

"Tất nhiên tất cả chuyện ấy là lặt vặt và ngu xuẩn," — ông nghĩ, — "nhưng... sao bà ta lại muốn đi ra nước ngoài kia chứ? Ở bên ấy thì bà ấy có thể hiểu được gì? Thế mà lại đi đấy... Thử hình dung xem... Thực ra thì đối với bà ấy Nê-a-pôn hay Kờ-lin cũng đều là một thôi. Đi thế chỉ làm phiền cho mình. Mình sẽ bị mất tự do và bị phụ thuộc vào bà ấy. Mình biết tỏng là bây giờ mà bà ấy lĩnh được tiền thì lại vội cất ngay vào tủ khóa sáu, bảy lần như mấy mụ đàn bà vẫn thường làm... Bà ấy sẽ giấu không cho mình biết... sẽ ban phát cho họ hàng bên ấy, còn đối với mình sẽ tính từng đồng kô-pếch cho mà xem."

I-van Đmi-tờ-rích nhớ đến họ hàng của mình. Tất cả những thứ anh em, chị em, cô dì, chú bác ấy, sau khi biết nhà ông trúng vé số thế nào cũng mò đến, xin xỏ, nhăn nhở cười giả dối, uốn éo. Thật là bọn người vô sỉ, ti tiện đáng khinh. Nếu cho họ tiền thì họ sẽ lại xin thêm nữa cho mà coi; nếu từ chối không cho thì họ sẽ rỉa rói, đặt điều nói xấu, cầu cho nhà ông gặp đủ mọi điều không may. I-van Đmi-tờ-rích nhớ lại những người ruột thịt ấy, những người trước đây ông nhìn bằng con mắt lãnh đạm thì nay trở nên thật khó chịu, đáng ghét.

"Thật là bọn người tởm lợm!" — Ông nghĩ bụng thế.

Và cả bộ mặt của vợ ông nữa cũng thành đáng ghét khó chịu. Lòng ông sôi lên một nỗi căm tức bà, một ý nghĩ độc ác đầy khoái trá đến với ông:

"Bà ấy có biết giá trị của đồng tiền là thế nào đâu vì lúc nào cũng keo kiệt. Nếu bà ấy trúng số thì chắc là chỉ cho mình một trăm rúp, còn lại bao nhiêu nhét vào tủ khóa lại hết."

Ông không còn cười cười và nhìn vợ như lúc nãy nữa, nhìn bà bây giờ ông chỉ còn thấy thâm thù. Bà cũng nhìn ông, và cũng nhìn với cảm giác thâm thù, căm tức. Bà có riêng những giấc mơ rực rỡ sắc cầu vồng, những dự kiến, những tính toán riêng của mình. Bà biết ai sẽ là kẻ đầu tiên chìa tay ra với món tiền trúng số của bà.

"Mơ tưởng bằng tiền của người khác bao giờ chẳng thích!" — Cái nhìn của bà lộ rõ ý ấy. — "Không, không, ông đừng có hòng".

Người chồng hiểu ra cái nhìn của vợ, nỗi căm tức dồn lên ngực ông, và để làm cho vợ cụt hứng, ông cố tình làm trái ý bà, liếc nhanh vào trang tư tờ báo và cao giọng đọc với vẻ đắc thắng:

— Xê-ri chín nghìn bốn trăm chín mươi chín, vé số bốn mươi sáu! Chứ không phải hai mươi sáu!

Niềm hy vọng và nỗi căm ghét cùng lập tức biến mất, và ngay lúc đó, cả I-van Đmi-tờ-rích lẫn vợ ông đều cảm thấy rằng những căn buồng của họ tối tăm, chật hẹp, thấp bé, rằng bữa tối vừa ăn chẳng làm cho họ no mà chỉ thêm cồn cào trong dạ dày, rằng những buổi tối này sao mà dài lê thê và buồn tẻ đến thế...

— Có quỉ mà biết được. — I-van Đmi-tờ-rích nói, bắt đầu đỏng đảnh. — Đặt chân vào đâu cũng thấy giấy lộn, rác rưởi đầy ra! Các phòng có lẽ không bao giờ được quét? Đến phải bỏ cái nhà này mà đi thôi, quỉ tha ma bắt tôi cho rồi! Bỏ nhà mà đi rồi treo cổ lên cành dương nào cho xong?

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...