Trên sông truyền hịch






TRÊN SÔNG TRUYỀN HỊCH
(Tiểu thuyết lịch sử - Hà Ân)





I





Trần Quốc Tuấn sực tỉnh dậy từ cuối canh tư. Ông nằm yên lặng trong khung cảnh thân thiết quen thuộc.

Ngoài kia, trời còn tối. Gió từ rừng Yên Tử thổi về tràn ngập hương xuân. Trong căn phòng, mùi trầm đốt đêm trước vẫn còn thoang thoảng gợi lên một phong vị tết sắp tàn. Trần Quốc Tuấn từ từ ngồi dậy. Vị tướng già nghiêng đầu lắng nghe. Gà chưa gọi sáng, nhưng côn trùng đã thôi rền rĩ từ lâu. Xa xa, dòng Lục Đầu đưa vẳng lại tiếng nước thủ thỉ mùa sông cạn. Không gian thanh bình làm cho Trần Quốc Tuấn bất giác thấy khoan khoái hẳn người. Ông kéo tấm chăn trùm hờ lên ngực và rung đùi ngâm khe khẽ:

Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành Mai

(Thơ của nhà sư Mãn Giác đời Lý, viết bằng chữ Hán. Ở đây tác giả dùng bản dịch của Ngô Tất Tố để các em hiểu được. Một số câu thơ văn trong tập này cũng dùng các bản dịch với tinh thần như vậy.)

Trần Quốc Tuấn ngâm lại hai câu thơ cuối. Ông đặt cả tình cảm của mình vào từng tiếng thơ buông chậm rãi... Trần Quốc Tuấn mỉm cười, vươn vai. Ông bước xuống sập, với tay lấy chiếc áo cừu trắng, khoác hờ lên vai và lại gần cửa số đẩy tung hai cánh ra. Vị tướng già say sưa ngắm đêm xuân Vạn Kiếp thăm thẳm, trong khi ông triền miên nhớ lại ba ngày tết dọc đường vừa qua.

Từ nhỏ đến giờ, đã năm mươi tư lần tết đến với Trần Quốc Tuấn. Tết đến với ông ở Phụng Kiền trong thành Thăng Long, tết đến với ông ở trang trại An Sinh, ở thái ấp Vạn Kiếp. Những cái tết đến với ông giàu sang nhàn nhã của đời sống một vị thân vương quyền bá bậc nhất đất nước. Nhưng ba ngày qua, Trần Quốc Tuấn không đón xuân trong khung cảnh quen thuộc từ tấm bé của mình. Đêm trừ tịch, vị tướng già rời kinh thành về Vạn Kiếp. Ông ăn tết dọc đường. Mặc dù đoàn quân hộ vệ của ông đông hàng trăm người, mặc dù voi ngựa trẩy nườm nượp làm huyên náo cảnh quê, Trần Quốc Tuấn vẫn nhận ra nhiều điều mới lạ về cảnh tết và đời sống của trăm họ ở các làng xóm ven đường cái quan từ Thăng Long về Vạn Kiếp qua lộ Khoái, lộ Hồng. Những điều mới nhận thấy ấy đã khiến ông ngẫm nghĩ thâu đêm.

Trần Quốc Tuấn đẩy cửa phòng, bước xuống sân. Vị tướng già khoan khoái hít một hơi dài, hai mắt lim dim. Ông nhận thấy một cảm giác là lạ chuyển dần dà trong cơ thể, và nhựa sống như lan ra tới chân lông, kẽ tóc. Ông vươn mạnh vai, gỡ chiếc áo cừu vắt lên bụi hoa mộc và bước thẳng ra giữa sân, xuống tấn dạo một bài quyền. Đó là bài quyền múa mỗi sáng đã thành nếp từ lâu. Trong bóng đêm đang tàn, Trần Quốc Tuấn say sưa với từng thế võ. Ông múa liền hai bài và đột nhiên, bằng tất cả niềm tự hào của một võ tướng tài ba, Trần Quốc Tuấn dạo sang bài võ cha truyền con nối của hương Vạn Kiếp. Chưa bao giờ Trần Quốc Tuấn dạo quyền say sưa đến như thế này. Ông sung sướng thấy mình vẫn bền bỉ và đường quyền đi rất chính xác, bay bướm... Múa hết bài quyền, Trần Quốc Tuấn thu tay về. Ông chống nẹ, đứng ngửa mặt ngắm ngôi sao Mai sáng lấp lánh. Sao thế nhỉ? Chẳng lẽ ông đã già mà sức khoẻ vẫn tăng lên ngược với lẽ tự nhiên của trời đất! Không! Chắc chắn rằng không phải thế.

Trần Quốc Tuấn khẽ lắc đầu mỉm cười. Có lẽ ông sảng khoái vì lòng ông đã gỡ được những nỗi mắc míu sâu kín nhất! Ông nhớ lại buổi đi Bình Than dự cuộc triều hội của vương hầu. Ngày ấy đến giờ thấm thoắt đã hai năm.

Khi chân bước ra khỏi cổng thái ấp Vạn Kiếp ông thấy bâng khuâng vô hạn. Ông nghĩ nhiều về mối bất hoà giữa ông với người em con chú con bác là Trần Quang Khải. Trần Quang Khải lúc bấy giờ vừa giữ chức Thái sư vừa giữ chức Thượng tướng quân, nắm cả quyền tướng văn tướng võ trong triều, coi sóc mọi việc nước, việc quân. Còn ông thì đã lui về thái ấp từ lâu, ngày xem hoa, săn bắn, đêm đọc sách, ngâm thơ. Hình như ông và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là hai vị tướng tài không thể cùng đứng ngang hàng. Có thể nói cả nước biết có mối bất hoà ấy, nhưng khi gặp nhau những ngày hội thề đầu năm ở đền Đồng Cổ phía bắc kinh thành, hai người đều tỏ vẻ vồn vã vui mừng. Thật ra, thiên hạ ít người hiểu đến nguồn gốc sâu xa của mối bất hoà ấy. Người ta đồ chừng hai ông gờm nhau về tài cầm quân hoặc so bì chức tước hơn kém. Có người cho rằng hai ông chỉ ganh nhau tiếng hiếu khách mà thôi. Lần ấy, rời hương Vạn Kiếp đi Bình Than, Trần Quốc Tuấn nghĩ rằng mình cũng sẽ phải trở về ngay thái ấp. Ông cho rằng Quan gia sẽ tin lời Trần Quang Khải, Thượng hoàng cũng sẽ tin lời Trần Quang Khải bởi vì Chiêu Minh vương là em ruột Thượng hoàng.

Cuộc họp vương hầu diễn ra khá sôi nổi. Thượng hoàng đem việc lớn của xã tắc ra hỏi. Thế giặc Nguyên rất lớn, vua Nguyên Hốt Tất Liệt đã sai sứ sang ép triều đình ta, một là dâng biểu xin hàng, hai là nếu muốn chống cự thì “sửa sang binh mã” đi. Ý giặc đe là hàng thì hàng ngay; bằng không, chúng phát quân sang làm cỏ nước Việt! Thượng hoàng phán hỏi các vương hầu: thế giặc mạnh như vậy, thì nên đánh hay nên hàng. Thế giặc ai cũng biết là mạnh. Chúng đã đánh bại bao nhiêu nước: Liêu, Kim, Tây Hạ, Nam Tống, Hồi Hột, ấn Độ... Vó ngựa cuồng loạn của chúng đã giày xéo bình nguyên Hoàng Hà, Dương Tử, giẫm nát tuyết Nga La Tư, cày lên cát ven biển Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ... Lần này sứ giặc đến nước Việt ta làm cho những người Việt yêu nước vừa căm thù vừa lo lắng. Các vương hầu đều bày tỏ ý riêng của mình. Một số người bàn rằng thế ta yếu, đành nộp biểu xưng thần, như vậy may ra mới cứu được tông miếu xã tắc khỏi bị giày đạp, trăm họ mới khỏi điêu linh. Ý kiến nộp biểu xưng thần này thực ra là ý xin hàng. Thượng hoàng và Quan gia im lặng, nhíu mày. Một số người khác nêu kế sách trá hàng. Thế giặc mạnh như vậy, âu là tạm xin dâng sổ bạ tịch quân dân, định ngày nộp cống, chờ dịp khác lấy lại nước.

Thượng hoàng và Quan gia vẫn im lặng, nhưng nhiều vương hầu khác đã khảng khái xin cho đánh. Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải cũng xin đánh. Hai người cùng bàn đánh, tuy cách đánh như thế nào thì khác nhau đôi chút. Sau đó là những buổi tâm tình thâu đêm giữa hai anh em trên một con thuyền thả lơ lửng giữa sông Lục Đầu. Đến bây giờ thì giữa hai người không còn chút nghi kỵ nào nữa và kế đánh của hai người được hầu hết các vương hầu họ Trần coi là xác đáng rồi cùng tin theo.

Ngay trong hội nghị Bình Than, Thượng tướng quân Trần Quang Khải tâu vua xin nhường quyền Tiết chế chư quân cho Trần Quốc Tuấn. Tan hội Bình Than, Trần Quốc Tuấn phò vua về thẳng kinh thành Thăng Long. Quan gia làm lễ bái tướng trong điện Thiên An, trao ấn, kiếm nguyên soái cho ông. Công việc sắp đặt tướng tá và luyện quân sẵn sàng chống giặc khá bận rộn. Công việc đã lưu vị tướng già ở lại kinh thành luôn hai mươi sáu tháng và cho đến hôm kia, đêm mồng ba tết, ông mới về Vạn Kiếp.

Trần Quốc Tuấn về phòng ngủ. Ông khêu to đĩa đèn trên án sách và quầng ánh sáng lung linh đó quyn luôn sự suy nghĩ của ông vào những việc ngổn ngang trăm mối bên lòng... Ra quân dẹp giặc, chỉ một lần truyền hịch! Câu nói này của Tôn Tử thường được các danh tướng xưa nay ghi nhớ.

Đến một lúc cần thiết nào đó, ông sẽ viết hịch, một bản hịch truyền đi làm nức lòng tướng sĩ. Nhưng để truyền hịch, xuất quân thì kế đánh giữ phải lập xong rồi. Binh pháp có câu: “Quân chiến thắng xuất đi như nước đổ từ cao nghìn nhẫn xuống”. Trần Quốc Tuấn đã ngẫm nghĩ nhiều về câu nói đó. Cái quan trọng là có được một thế nước cao. Trong cuộc chiến tranh chống giặc lần này, cái gì là gốc rễ của cái thế cao nghìn nhẫn ấy? Tướng quân Trần Khánh Dư nói: quân mạnh tướng giỏi thì thắng. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải quả quyết rằng ý chí trăm họ là gốc của xã tắc, nhưng Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc lại nói: trăm họ là giông bão có thể nhận chìm thuyền giặc, nhưng cũng có thể thổi tan vườn tược mùa màng. Trần Quốc Tuấn suy nghĩ về những ý đó. Ông trở về với câu nói nổi tiếng của Tôn Tử. Nhưng làm thế nào để tích tụ được thế nước cao hàng nghìn nhẫn ấy?

Trần Quốc Tuấn bất chợt ngồi thẳng người lên. Ông hiểu vì sao sáng nay lòng ông sảng khoái. Ba ngày tết dọc đường đã giúp ông hiểu về ý chí trăm họ. Quy tụ được ý chí trăm họ về một mối phải chăng là công việc ông phải làm để tạo cho Tổ quốc thế thắng cao nghìn nhẫn ấy?...

Có tiếng chân người ngoài hiên...

Download truyện "Trên sông truyền hịch" — Bản đầy đủ (421KB):

Hướng dẫn cách dùng tủ sách của me(): Tủ sách của Chương trình me()

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...