Lập Trình Viên II (29)

"Và bằng cách ấy cũng có thể giúp trị thương.

"Thể chất anh Ngạn rất tốt, và lòng ham sống cao lắm; chữa lành mấy vết thương thì anh ấy ở lại trong chùa với ông. Khí sắc của anh ấy có điểm khác so với đa số mọi người; ông cũng đã ít nhiều có hình dung, nhưng sau mới tìm hiểu rõ; anh ấy là người Chăm-pa, Chăm-pa không pha phách gì cả. Về tố chất, anh ấy rất có thể là người chọn được theo pháp môn.

"Ông chưa chọn, nhưng trong mấy năm, ông cũng đã dạy anh ấy đủ thứ, như một đệ tử tục gia. Anh Ngạn thích những thứ ông dạy, chăm học lắm, và học cái gì cũng nhanh, có thứ nhanh hơn ông ngày xưa, vài thứ là nhanh hẳn hơn, mặc dù trường hợp của ông, sư phụ nói, cũng là lâu lâu mới chọn được một. Theo lời sư phụ, thì pháp môn này xuất phát từ Tây Tạng, lúc dạy anh Ngạn, thì ông nhận thấy nó có vẻ phù hợp với nguồn gốc Ấn Độ Giáo, hơn là Phật, Đạo..."

Ông gật đầu với những dấu hiệu thắc mắc mà ông đã nhận thấy ở tôi:

"Lúc ông Ngô Quyền bẫy giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thì người Chăm-pa đã độc lập được hơn bảy trăm năm rồi; người mình còn đang làm nô lệ cho người Tàu, thì văn hóa Chăm-pa đã phát triển rực rỡ. Họ thờ thần Si-va... một vị thần Ấn Độ Giáo, một nhà hiền triết, với sức mạnh bạo liệt của một chiến thần; Si-va là thần thượng cổ, cũng như Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông ở Tàu..."

— Phục Hy mà... suốt từ hồi Hà đồ, Lạc thư ấy ạ? — Tôi hỏi.

— Đúng rồi. — Ông xác nhận.

Tôi không hỏi gì nữa, nhưng có vẻ như ông vẫn có ý chờ tôi, — tôi đang cố sắp xếp cho thật ngăn nắp câu chuyện không tuyến tính từ nhiều góc độ mà tôi đang nghe, và tôi chắc sẽ không bao giờ quen được cách nói chuyện với một người thật sự có thể nhận biết được rất nhiều thứ mà thông thường thì phải là rất riêng của tôi, diễn ra ở trong tôi.

"Ông nội của tiểu Phương... Ừ, ông nội "nuôi" của tiểu Phương," một lát, ông kể tiếp, "từ lâu, ông ấy vẫn là người luôn hỗ trợ tài chính cho ngôi chùa nơi ông xuất gia, ông với ông ấy cũng có chút giao tình. Ông ấy mất, thì anh Cao tiếp tục những gì ông ấy vẫn làm, một cách rất là chu đáo.

"Anh Ngạn gặp anh Cao một lần, thì bắt đầu hỏi han ông rất nhiều. Cũng qua những chuyện đó, thì ông hiểu là những gì đang ở trong lòng anh Ngạn lần này sẽ thật khó mà lưu luyến cảnh chùa.

"Khoảng hơn một tháng sau, thì ông nói chuyện với anh Cao, rồi bảo anh Ngạn đi theo anh ấy.

"Tiểu Phương khi ấy còn bé," ông nâng ngang bàn tay lên, ước lượng chiều cao, chiều cao của một đứa bé chừng bốn, năm tuổi, "và có đôi mắt rất sáng."

Có một câu hỏi thành hình ngay trong suy nghĩ của tôi một cách tự nhiên, nhưng tôi phần thì rất muốn hỏi, phần lại rất không muốn làm gián đoạn câu chuyện đang sắp đến đoạn chính; nhưng cuối cùng tôi sắp hỏi, thì bàn tay ông, mát và mềm, còn hơn cả tay Mai Phương, đã đặt lên lưng bàn tay tôi, mấy ngón tay ông vỗ mấy cái nhẹ nhẹ; ông kể tiếp:

"Pháp môn mà sư phụ đã dạy ông có chín tầng, khi ấy ông đã luyện được đến tầng thứ bảy.

"Bây giờ người ta cũng hay nói đến tâm linh, đến thiền, viết cả các loại sách dạy thiền, trong đấy thường dạy mọi người tập trung tinh thần, bài trừ tạp niệm, để đầu óc trống rỗng, nếu không trống được thì hãy tập trung vào một ý nghĩ nào đó... Còn các học giả xã hội học cũng viết các loại sách khuyên người ta cách sống, trong những sách đấy thì hay bảo mọi người nghe theo tiếng gọi trái tim mình... đại để như vậy.

"Ông thì không thể hình dung được là có ai đấy làm theo những cách như thế mà lại có thể tìm đến được với một cảnh giới tinh thần nào đó tốt hơn được. Vì những loại sách ấy không chỉ được ra cho người ta cách làm thế nào để phân biệt được đâu là tạp niệm, đâu không phải tạp niệm, đâu là tiếng gọi trái tim — nếu như muốn gọi như thế, — đâu không phải là tiếng gọi ấy. Mà đã không phân biệt được như thế, thì làm sao biết bài trừ cái gì, biết đi theo cái gì chứ?

"Nếu người ta có thể phân biệt được, thì đã chả cần anh nói; còn như người ta đã không phân biệt được, thì anh nói nhăng cuội với họ về những thứ mà bản thân anh cũng không hiểu như thế, chẳng những đã không giúp được gì, lại còn khiến cho người ta thêm lẫn lộn, và dễ làm sai hơn.

"Tâm lý con người hay có xu hướng biến những thứ mà mình không hiểu thành những thứ cao siêu. Thực ra loài người coi những thứ mà mình không hiểu là cao siêu, thì là bình thường. Nhưng khi một ai đó trong xã hội loài người thích dùng cách tiếp cận như vậy với các vấn đề của mình, thì lại phải xem lại. Vì nhiều khi anh không hiểu chỉ đơn giản là vì bản thân anh dốt.

"Còn theo những gì sư phụ đã truyền dạy, và ông đã phần nào chứng nghiệm, thì trong một người có hai phần... hay nói theo cách hình tượng hơn, trong một con người có hai con người khác nhau. Người thứ nhất lớn lên từ tính chất người riêng của chính con người đã được sinh ra, còn người thứ hai...

"Người thứ hai là một mớ tạp niệm.

"Nếu như không phân biệt được, nếu như con người thứ hai át đi con người thứ nhất, thì cháu có thể sống hết cuộc đời mình giống như một học sinh đến trường thi và cặm cụi làm bài, nộp bài, và yên tâm, vui vẻ vì mình đã làm bài tốt, rồi đến khi công bố điểm, mới ớ ra là mình đã lạc đề.

"Quả đất ngày càng đông dân, chẳng phải cũng giống như trường thi ngày càng đông thí sinh, vì ngày càng có nhiều thí sinh cứ thi đi thi lại mãi mà vẫn không đỗ? Và có phải khu vực nào trên quả đất càng có nhiều học sinh dốt, thì trường thi càng đông?

"Khi tọa thiền và rơi vào được cảnh giới ở tầng thứ bảy, nếu có một niệm phát sinh, thì có thể phân biệt được rõ ràng đấy là chánh niệm hay tạp niệm, và có thể an định được ở chánh niệm, tức là làm con người đúng theo tính chất người riêng của mình. Nếu tới được cảnh giới ở tầng thứ tám, thì không chỉ trong lúc tọa thiền, mà những lúc khác cũng có thể được như vậy, nhưng trạng thái này rất dễ bị phá vỡ.

"Muốn ổn định, vững vàng, thì phải lên được tầng thứ chín. Ở tầng thứ chín, cháu có thể toàn tâm toàn ý làm bài thi, nếu như có trượt, thì cũng không phải vì lạc đề."

Ông ngừng lời, nhìn tôi, nhưng có phải là ông nhìn tôi không? Hay chỉ là... có lẽ ông đang chìm trong những suy nghĩ riêng, và trong lúc ấy thì mắt ông để về hướng tôi?

Một lát, ông mới bắt đầu lại, nhưng, có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi biết ông, tôi nhận thấy trong giọng nói của ông giống như có một nét mệt mỏi:

"Anh Ngạn đi rồi, thì những lúc tọa thiền, cứ sắp rơi vào cảnh giới ở tầng thứ bảy, thì thay vì những gì vẫn diễn ra mà ông đã biết, bây giờ ông chỉ cảm thấy trong lòng cực kỳ buồn bã. Sự buồn bã khó tả này tràn ngập, xâm chiếm, lấn át mọi thứ, và tất cả dừng lại ở đó.

"Cả đời, chưa bao giờ ông gặp phải cảm giác... đến như vậy. Buồn bã đến rợn người, đến toát mồ hôi lạnh, đến có thể phát sợ, có thể hoảng hốt lên được; nếu như là trước đây, thậm chí có thể dẫn tới tẩu hỏa nhập ma; nhưng ở tầng thứ bảy thì định lực của ông đã vững; và ông cũng đã kiên trì lắm. Nhưng chuyện này lặp đi lặp lại, và ông phải hiểu là mình không thể tiếp tục theo cách như vậy nữa."

Ông lại nhìn... mắt ông lại để về hướng tôi, và ông thở dài, — ông thở dài?

"Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn. "Ngạn" là cái tên ông đặt cho nó. Đưa nó từ quỷ môn quan về, ông đã vui mừng lắm. Biển khổ mênh mang, quay đầu là bờ. Nhưng bờ đấy là của ai? Của nó? Hay của ông? Thế thì đâu mới là biển khổ? Biển khổ là ở chỗ nào?"

Lần này ông im lặng lâu; rồi khi nói, thì giọng ông đã trở lại như lúc ban đầu:

"Anh Ngạn đi, rồi ông cũng đi. Quãng chừng hơn một năm sau, thì chị Sương tìm đến, rồi ở lại luôn, ở lại với ông, như là đứa con gái của ông.

"Được gần tám năm, thì hai mắt của tiểu Phương... Mới rồi, cháu đã muốn hỏi ông. Nhưng chuyện này... nó thật sự ở ngoài khả năng của ông. Bệnh viện họ bảo không chữa được, nhưng, hẳn rồi, từ lúc mắt em bắt đầu mờ dần đi, thì ông đã cố xem bệnh cho em; ông và chị Sương đã ở Sài Gòn suốt những ngày ấy.

"Hai mắt em cứ càng mờ đi, thì huyệt Ấn Đường của nó..." — ông gật đầu xác nhận là tôi nhận đúng huyệt — "lại càng sáng rực lên.

"Nhưng khí sắc ở đấy lạ lắm. Ông chưa bao giờ nhìn thấy khí sắc như vậy, cũng chưa từng nghe sư phụ nói qua. Kính quỷ thần nhi viễn chi, — ông chỉ có thể làm theo những gì mà ông đã được học, được chứng nghiệm, được biết, hoặc có thể suy luận một cách nghiêm cẩn, và không dám bất chấp mơ hồ mà động chạm đến bất kỳ cái gì có thể liên quan tới thứ khí sắc lạ này. Mà những cách ông có thể làm thì..." — ông lắc đầu — "không có tác dụng gì cả, hoàn toàn không, và bản thân chuyện này cũng thật lạ lùng.

"Và ông vẫn rất lưu tâm, nhưng chỉ mãi đến khi... nhưng lần thứ hai, người thứ hai mà ông gặp, cũng có một khí sắc y hệt như thế...

"Chính là hôm mà ba anh em con đến đây."

Không lạ là đêm nay tôi bị mất ngủ, hoặc tôi phải được làm bằng một thứ vật chất đơn giản hơn. Thực ra trong lúc nghe chuyện ông, tôi đã luôn lưỡng lự, đã muốn kể hết cho ông nghe tất cả câu chuyện rất không bình thường về chính tôi.

Một mình ôm cái đấy, quả thực cũng nặng lắm!

Gặp được một người như ông để mà chia sẻ, khỏi cần nói là tôi đã mừng đến thế nào; sở dĩ tôi lưỡng lự, là vì tôi còn muốn cố — lô-gích, thì việc này đương nhiên không thể dễ — sắp xếp cái "hệ thống" của tôi (đúng hơn, phải nói là cái "hệ thống" đang chính là tôi đây) và hệ thống của ông vào với nhau, theo một cách nào đó, mà có thể hợp lý; bởi vì theo bản năng suy luận mà thày Đét-lam yêu quý của tôi đã rèn luyện tôi, thì đây rất có thể sẽ là những góc nhìn khác nhau của cùng một hệ thống, và nếu trực giác của tôi không sai, thì "hệ thống" của tôi sẽ nằm ở cấp độ sâu hơn.

Và bỗng, sự lưỡng lự đã hoàn toàn biến mất:

"Chính là hôm mà ba anh em con đến đây."

Âm vang, và đảo lộn tất cả: đảo lộn cả hệ thống — đang định — sắp xếp của tôi, và đảo lộn toàn bộ suy nghĩ, đúng hơn, đảo lộn tất tần tật những gì có ở con người tôi.

Cái thứ khí sắc lạ lùng ở trước trán Mai Phương, không hiểu sao lại đang "rực rỡ" ngay ở trên đỉnh đầu tôi.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...