Có phải vậy không? - Thưa bác Nông Đức Mạnh


Tại nhà riêng bác Mạnh ở Na Rì

Tôi biết bác Nông Đức Mạnh (nguyên Tổng Bí Thư) từ thời bác ấy đang làm Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Thái. Gọi là biết, thực ra tôi chỉ nhòm thấy bác ấy chứ chưa được tiếp xúc, trò chuyện. Mãi đến khi tỉnh Bắc Thái chia tách thành Bắc Cạn và Thái Nguyên (1/1/1997), tôi được tổ chức điều động lên Bắc Cạn, sau đó bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên Tập của tờ báo này, tôi mới có dịp được gặp bác Mạnh. Đó là những lần bác ấy về thăm tỉnh nhà (Bắc Cạn) và thăm học viên lớp cao cấp chính trị là người Bắc Cạn, đang theo học ở Phân viện Hà Nội, khóa 1998-1999, trong đó có tôi. Trong thời gian học ở Hà Nội, tôi còn được đến nhà bác Mạnh ở 66 Phan Đình Phùng (Hà Nội) và dự lễ tân gia của bác ấy tại Na Rì (Bắc Cạn).


Tôi nhớ, dịp ấy vào cuối năm 1998, bác Mạnh gọi điện mời ông Đàm Văn Thảo, học cùng lớp với tôi, đang là Chủ tịch UBND huyện Na Rì, — quê bác Mạnh, — đến nhà để bàn công chuyện.


Ông Thảo không thạo đường Hà Nội nên rủ tôi đi cùng. Thời ấy, bác Mạnh đang là Chủ Tịch Quốc Hội. Bữa đó, bác Mạnh mang ra chai rượu ngon, tự tay rót rượu mời chúng tôi rất thân mật, rồi tham khảo ý kiến chúng tôi nên tổ chức vào nhà mới như thế nào? Đó là ngôi nhà sàn, mới làm trên đất nhà vợ (là bà Lý Thị Bang, đã quá cố) ở xã Lương Hạ, huyện Na Rì. Ngôi biệt thự mà gia đình bác Mạnh đang ở là của Nhà nước. Trước đây, thời làm Bí thư Tỉnh Ủy Bắc Thái, bác Mạnh đã làm ngôi nhà ở phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên; gần nhà cũ của tôi. Sau khi về Hà Nội, bác Mạnh bán ngôi nhà này cho ông Ma Thanh Toàn, nguyên Tư Lệnh Quân khu 1.


Bác Mạnh tâm sự với chúng tôi, làm xong ngôi nhà, phấn khởi lắm nhưng không biết nên tổ chức lễ tân gia như thế nào? Nếu tổ chức linh đình, mời mọc rộng rãi thì mang tiếng xa hoa lãng phí; mà không mời rộng rãi thì bà con chê cười rằng, làm cán bộ Trung ương đã quên hết tình làng nghĩa xóm. Dân mình, các chú còn lạ! Rồi bác Mạnh nhờ ông Thảo, nếu về quê, có dịp tiếp xúc với bà con địa phương thì hãy giải thích cho mọi người hiểu nỗi lòng của bác và cảm thông cho bác. Quay sang tôi, bác Mạnh bảo, hôm ấy nếu Cao Thâm không bận học thì về dự với gia đình cho vui. Có lẽ tiện thể, bác Mạnh mời xã giao, nhưng tiện xe, tôi cũng lên Na Rì, dự lễ tân gia nhà bác Mạnh.


Lễ tân gia của bác Mạnh hôm ấy thật giản dị, thân mật và ấm áp. Khách ở Hà Nội chỉ một số người trong Văn phòng Quốc Hội, ngồi cùng chiếc xe 12 chỗ với gia đình bác Mạnh. Ở địa phương chỉ một số quan chức tới dự, còn lại chủ yếu là bà con dân bản. Ngôi nhà này chính thức là nơi gia đình bác Mạnh thờ cúng tổ tiên, bởi trước đó, ở quê, bác Mạnh không có nhà. Hàng năm, vào ngày giỗ bố mẹ, hoặc ngày Tết, ngày Thanh Minh, gia đình bác Mạnh thường về quê. Mỗi lần về quê, bác Mạnh phải nghỉ ở nhà khách UBND huyện Na Rì.



Ngoài cùng, bên phải: Ông Đàm Văn Thảo
Ngoài cùng, bên trái: Tác giả

Vậy mà, sau khi làm ngôi nhà sàn này, bác Mạnh bị nhiều tai tiếng. Rằng, bác Mạnh cho xây dựng cả sân bay; cho làm cả con đường mấy chục cây số từ TX Bắc Cạn về quê... Sự thật không phải vậy! Quê bác Mạnh ở xã Cường Lợi — một xã heo hút, cách thị trấn Na Rì chừng 7 cây số. Tôi nhớ, năm 1994, khi làm phóng viên Báo Bắc Thái, tôi đã tháp tùng ông Nguyễn Ngô Hai, Bí Thư Tỉnh ủy lên Cường Lợi. Đoạn đường về quê bác Mạnh vô cùng bất khuất. Có lẽ do xa xôi, hiểm trở nên bác Mạnh cho làm ngôi nhà sàn trên đất nhà vợ, ở xã Lương Hạ, gần thị trấn hơn. Ngôi nhà sàn của bác Mạnh ở cạnh cánh đồng rộng. Nếu bác Mạnh về quê bằng trực thăng thì đỗ đâu chẳng được, cần gì phải làm sân bay! Còn con đường từ TX Bắc Cạn về quê bác Mạnh, qua đèo Áng Toòng, 16 cây số, rất hiểm trở. Thời làm Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Thái, bác Mạnh đã từng đi bộ chừng 40 cây số từ Chợ Mới, qua Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư mới về quê. Khi tỉnh Bắc Cạn thành lập lại (năm 1997), con đường lên Ba Bể được ưu tiên làm trước, để khai thác tiềm năng du lịch của Hồ Ba Bể; đường vào Na Rì, quê bác Mạnh làm sau và đến nay, đoạn mở rộng đèo Áng Toòng, về quê bác Mạnh vẫn chưa làm xong. Đồn vậy là oan cho bác Mạnh!


Tôi có thời gian dài sống và làm báo ở Thái Nguyên, Bắc Cạn, thấy rằng, đồng bào nơi đây rất kính trọng và tự hào về bác Mạnh. Đến nỗi, trong các cuộc vui, người ta hát, nhại theo điệu “Hò sông Mã” thế này:


“Giấc mơ ngàn đời của dân Thanh Hóa

Dô tá dô tà!

Là cành rau má to bằng lá sen

Dô tá dô tà!

Giấc mơ ngàn đời của dân Thái Nguyên (hoặc Bắc Cạn)

Dô tá dô tà

Là Tổng Bí thư được làm hai khóa

Dô tá dô tà...”


Dân Thái Nguyên, Bắc Cạn kính trọng, tự hào bác Mạnh như vậy nhưng trong suốt 2 khóa làm Chủ tịch Quốc Hội, 2 khóa làm Tổng Bí thư, bác Mạnh chưa “kéo” ai (và chưa hẳn bác Mạnh đã “kéo”) là người địa phương vào Trung Ương; ngoài ông Mai Thế Dương, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Cạn, hiện là ủy viên Trung Ương Đảng, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung Ương và ông Nông Quốc Tuấn, con trai bác Mạnh, hiện là Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Bố mẹ bác Mạnh (đã mất) sinh ba người con, bác Mạnh là cả. Người em trai là Nông Văn Dung, nom rất giống bác Mạnh, là nông dân ở Na Rì; em gái (tôi không nhớ tên) lấy chồng ở Ba Bể. Cuộc sống của họ cũng nghèo như nhiều người dân ở vùng cao Bắc Cạn. Nếu ở vị trí như bác Mạnh, có thể lôi kéo anh em, họ hàng, bạn bè vào những vị trí quan trọng, nhưng với bác Mạnh thì tôi chưa thấy ai là con cháu, anh em của bác về Trung Ương, trừ con trai bác, như đã nêu trên.


Nếu ai đã được tiếp xúc với bác Mạnh, sẽ thấy bác cởi mở, ân cần và thận trọng. Mọi lời nói, việc làm của bác đều cân nhắc kỹ lưỡng, chẳng hạn như việc tổ chức tân gia kể trên. Vậy mà, mới đây, lướt trên mạng thấy rộ lên chuyện bác Mạnh cưới vợ mới và những lời đồn đại không mấy tốt đẹp về người vợ mới của bác. Tôi không muốn tin và cũng không muốn tò mò, xúc phạm đến đời tư của người khác. Bây giờ bác Mạnh đã nghỉ hưu; vợ bác Mạnh đã mất, Bác Mạnh có quyền được vun vén cho hạnh phúc riêng tư. Nhưng trên các trang mạng xã hội cứ phơi bày ảnh và những thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín của bác và ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng. Có phải vậy không bác Mạnh? Hay bọn “đế quốc sài sang” lại dựng chuyện hòng hạ thấp uy tín của bác như đã từng đặt điều bác cho xây sân bay, làm đường? Hay là..?


Nguồn: http://vinacomincaotham.blogtiengviet.net/2012/03/24/ca_phaoci_vaony_kha_ng_thama_ba_c_na_ng_

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...