Lập Trình Viên II (21)

Thằng Lu-ka khẽ thở dài, nhìn cô giáo, rồi cứ giữ nguyên mắt nhìn như thế, nó thong thả đứng lên.


Mặc dù chỉ là "bãi phân" trong mắt thằng Phê-đi-a, nhưng giống như thằng Giê-nhi-a, thằng Lu-ka cũng là nhân vật trụ cột của lớp tôi; có khi còn trụ cột hơn.


Vì nếu ví lớp tôi với một cái làng, thì thằng Giê-nhi-a bất quá chỉ là anh giáo làng, — cho dù có là một anh trạng từ quan đi chăng nữa.


Còn thằng Lu-ka là lý trưởng.


Và nó học giỏi cũng ngang hàng thằng Phê-đi-a, mà còn toàn diện — đều các môn — hơn.


Nhưng cùng một việc học, thì đối với thằng Giê-nhi-a, chắc sẽ giống như đọc tiểu thuyết; với thằng Phê-đi-a, sẽ như chơi Súp-pơ Ma-ri-ô; còn thằng Lu-ka, nó học y như đang làm việc cật lực để gây dựng một sự nghiệp, và nó luôn thẳng thắn về chuyện này.


Bản thân tôi cũng đang phải rất là cật lực, lại còn trong một tình thế bấp bênh và động lòng, nhưng tôi cũng chưa bao giờ tự thấy mình có cảm giác, hay là ý nghĩ theo kiểu "sự nghiệp" này cả.


Nếu là chuyện "nhao nhao" liên quan đến nội dung bài học, và cần một tiếng nói có trọng lượng, thì lựa chọn đầu tiên của cô Ma-ri-a sẽ là thằng Giê-nhi-a; còn với chuyện như chuyện đang diễn ra này, thì thằng Lu-ka sẽ chính là tiếng nói đó. Hẳn rồi!


Tóc mềm, lửng lơ đâu đó giữa nâu non và vàng, cắt ngắn nhưng đủ để vẫn mượt, đường ngôi rành rọt bên trái; mắt hơi thẫm hơn tóc, và trong; cái gì trên mặt cũng có vẻ vừa vặn, ngoại trừ môi hơi dày, và cằm hơi bầu, nhưng chỉ hơi một chút thôi; quần áo lúc nào cũng như vừa giặt khô là hơi; mọi thứ ở thằng Lu-ka đều ngay ngắn, gọn gàng, chỉn chu, và người lớn.


Nó đứng đấy, chững chạc, từ tốn, và đầy vẻ ái ngại. Giữ nguyên ánh mắt như từ đầu, nó khẽ khàng gật đầu một cái, hai cánh tay vẫn buông thẳng, nhưng cùng xoay nhẹ một cái để hướng cả hai bàn tay về phía trước, giọng nó điềm đạm:


— Em rất tiếc, thưa cô Ma-ri-a Va-xi-lép-na.


Có gì đó giống như màu sắc bị nhạt đi trong mắt cô Ma-ri-a; cô bối rối nhìn xuống, bàn tay phải — chắc là bất giác — đưa lên, mấy ngón tay đặt nhẹ lên trán; hình như cô đã nói gì đó, nhưng chỉ như lẩm bẩm một mình; rồi cô bỏ tay xuống, nhưng lại cầm ngay lấy bàn tay trái một cách lung tung ở trước ngực; cô nhìn chúng tôi, mắt cô giống như mắt trẻ con lúc buồn, còn giọng nói như khi đang hồi hộp:


— Nếu thế... nếu thế thì cho cô xin lỗi các em.


Vậy là không có bài kiểm tra.


Nếu là không phải bây giờ, thì vô luận thế nào, kiểu gì tôi cũng sẽ mừng lắm. Từ khi về đây học, bài kiểm tra đã trở thành một thứ vẫn luôn luôn đè nặng, canh cánh rất không thoải mái trong tâm trạng của tôi. Còn như hiện tại, thì tôi chả còn quan tâm nhiều nữa.


Gươm đã kề cổ, còn sá gì gai đâm?


Đây đúng là cái vẫn được gọi là "bất cần"; chính xác hơn, phải gọi là "cùn", vì bất cần chắc cũng có nhiều kiểu khác nhau.


Bọn nó thì chắc không đứa nào "cùn" như tôi, nhưng không thấy có đứa nào vui mừng tới mức thành âm thanh cả. Có một sự lặng lẽ đang giữ chặt lấy không khí ở trong lớp, mà những tiếng loạt xoạt khe khẽ — vì hình như đứa nào làm gì lúc này cũng đều rón rén — lại chỉ càng làm cho nó tăng thêm.


Cô Ma-ri-a đã đeo lại kính, và đi về phía bảng, vừa đi cô vừa nói:


— Vậy cô sẽ bắt đầu chủ đề mới... — Cô hơi ngoái lại, nhìn nhanh vào (chắc là) giáo án ở trên mặt bàn giáo viên. — Điểm cực trị của hàm số, giá trị cực đại và cực tiểu.


Bài giảng bắt đầu.


Cô Ma-ri-a vạch một đường phấn thẳng đứng lên bảng, rồi thêm một dấu mũ vào đầu trên của đường này, — một mũi tên. Cô Ma-ri-a chắc phải là một trong những người vẽ mũi tên này lên bảng nhiều nhất trên thế giới. Vẽ xong mũi này, cô kẻ một đường phấn ngang từ trái sang phải, cắt ngang qua nó (tính từ phía dưới) ở — và thò ra phía bên trái nó — khoảng gần một gang tay, hai đường phấn này sẽ ngăn ra một hình chữ nhật to vừa vừa, ở góc phía trên, bên phải bảng viết.


Nhưng cục phấn vừa bò ngang qua mũi tên thì đột ngột rời khỏi mặt bảng viết.


— Pê-tờ-rốp-va! — Giọng cô Ma-ri-a vang lên quả quyết, và cô quay phắt lại; nhưng khi cô nói tiếp, thì ngữ điệu lại nhẹ nhàng. — Cô có nói là có bài kiểm tra không?


Hình như cả lớp đều giật mình, và đều nhìn vào chỗ ngồi ở phía bên trái, bàn đầu tiên, dãy bên phải.


Ở đấy có một đứa con gái ngập ngừng đứng lên.


Từ chỗ tôi ngồi thì nhìn thấy cái lưng áo màu xám rêu, cổ áo cồm cộm vì bị một cái khăn quàng len — màu sữa đặc có đường lẫn ít cà-phê — quấn độn vào bên trong, bờ vai đầy đầy của một thân hình có lẽ là mẩy và chắc như nắm bột luộc, và chiếc đuôi sam tết dày cộm, giống như một bông lúa mì to chín vàng, dài đến giữa lưng nó.


Ta-nhi-a Pê-tờ-rốp-va là một đứa mới chuyển về lớp tôi — và về thành phố này — vào đầu năm học. Nó là chị họ thằng Giê-nhi-a, nhưng tính thằng này có nhiều chỗ kín đáo, mà tôi cũng chưa bao giờ hỏi han gì về nó; hình như nó hơn tôi một tuổi, và hồi trước nhà nó ở một chỗ nào đó ở nhà quê, — về điểm sau thì chả cần hỏi cũng không khó nhận ra lắm.


Bọn nhà quê ra tỉnh thì hoặc rụt rè, hoặc nổ lấp nổ liếm.


Cái Ta-nhi-a này, ơn giời, là thuộc loại đầu; vì, theo như thằng Phê-đi-a cứ một mực quả quyết, ngộ nhỡ vô phước mà phải học cùng lớp với một đứa thuộc loại sau, thì trên đời này phải nói là không còn gì có thể nhục hơn được nữa!


Cái Ta-nhi-a giờ đang đứng im thin thít như con ve sầu mùa đông.


Cô Ma-ri-a đến trước mặt nó:


— Cô đang nghe đây, Ta-nhi-a.


Nhưng nó cứ đứng im tiếp; rồi tôi thấy vai nó nhún một cái, rồi hình như nó đã nói gì đấy, nhưng nếu có thì cũng chỉ lào thào, tôi chẳng phân biệt được gì; đúng lúc này ở dãy bàn bên ấy bỗng cất lên giọng một đứa bô bô:


— Cô Ma-ri-a Va-xi-lép-na, bạn ấy đang ở trên ti-vi đấy ạ, tiếng bị tắt, còn mỗi hình ảnh.


Xung quanh có nhiều đứa cười ồ lên; nhưng sau lưng tôi, thằng Phê-đi-a lẩm bẩm chửi:


— Mẹ thằng di-gan!


Tóc đen láy và cứng như rễ tre, lông mày rậm và giao nhau, lông mi dày cờm cợp, mắt đen, to, và nhìn gì cũng như đang giương lên, mũi thô và mỏ quạ, ria đen nhìn rõ, cằm hơi lẹm và hai ngấn, — mặt giống như bị đấm một quả mạnh trúng cằm, nên cằm tụt vào còn khu vực mũi lồi ra, — thằng Mê-chi-a đúng là gốc di-gan, có khi còn thuần chủng.


Nhưng cô Ma-ri-a không để ý đến chúng nó, cô đang hỏi cái Ta-nhi-a:


— Đừng hỏi em về chuyện này tức là sao?


— ...


— Tôi cần em trả lời, tôi đã thông báo, hay là chưa?!


Cái Ta-nhi-a vẫn tiếp tục đứng yên.


Bất chợt tay trái nó đưa lên — chắc đặt lên cằm, hoặc môi, hoặc cả hai, — vai nó rung mạnh một cái, rồi có tiếng sụt sịt khe khẽ; đầu cúi gằm, không chờ cô giáo cho phép, nó cứ lẳng lặng ngồi xuống; hai cùi tay tì trên mặt bàn, hai bàn tay đưa lên ấp lấy hai bên đầu, hai vai nó bắt đầu rung lên liên tục, còn tiếng sụt sịt thì to hơn và lẫn với những tiếng thút thít.


Khóc thế này hình như trông còn thương hơn A-nhi-a khóc lần trước.


Vì A-nhi-a không phải nhịn khóc.


Cả khuôn mặt cô Ma-ri-a không có gì thay đổi — cả đường nét lẫn vị trí, — nhưng cô hít sâu một hơi, vai và ngực nâng lên, nên tổng thể trông vẫn hơi giống như khi cúi đầu. Cô đứng im như thế, rồi tay phải cô làm một động tác dứt khoát: bàn tay nhấn khẽ một cái từ trên xuống, ngón tay trỏ chỉ thẳng xuống một điểm nào đó trên sàn, ngay phía trước chỗ cái Ta-nhi-a ngồi:


— Đấy! — Giọng cô khẽ khàng, nhưng đầy đặn.


Cô lại hít sâu một hơi, cằm thu hẳn lại, rồi cô thở dài. Rất dài!


(Còn nữa)


Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Cả bộ đầy đủ)
http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...