Lập Trình Viên II (10)

Một người tôi chưa nhìn thấy bao giờ tự nhiên xuất hiện trước mắt tôi, nhìn tôi bằng cái nhìn thật sáng, thật trong, thật thân thiết, và nói với tôi bằng một thứ tiếng Việt Nam thật dễ nghe:


— Có muốn anh dạy em nói tiếng Việt Nam không?


Tháng Sáu, tháng Bảy, tháng Tám, — tôi về ở với bố hai lần. Bố tôi vẫn sống lặng lẽ, và vẫn nấu món súp củ cải đỏ ngon nhất trong tất cả những món súp mà tôi từng ăn. Buổi chiều, bố tiễn tôi ở ga tàu điện đường dài ngoại ô, trông ông có vẻ yên tâm.


Căn hộ ở trên phố bây giờ bác Di-na — bác Di-na là chị của mẹ anh An-tôn tôi — mỗi tuần đảo qua một, hai lần trông nom; anh A-li-ô-sa tìm cách giữ lại căn phòng của Phi Long trong ký túc xá, bây giờ tôi sống ở đây một mình là chính, chỉ có cuối tuần, một, hai ngày, tôi về nhà A-nhi-a để trình diện, và báo cáo tình hình với cô Ma-ri-na.


Suốt mùa hè tôi làm bạn với cây đàn ghi-ta, — cây đàn ghi-ta Đức mà Phi Long đã để lại cho Vê-rôn-na.


Nó là một tác phẩm nghệ thuật. Nó thật xinh xắn, hình như nó đã được làm thủ công, bằng các thứ gỗ chọn lọc, mặt trắng, thân và lưng màu vỏ bánh mỳ mới ra lò óng ả như còn được bôi thêm một lớp mật ong. Viền theo lỗ thoát âm, và dọc theo mặt cần đàn, có những họa tiết hình dây leo mảnh mai, có lẽ là dây nho, trông rất giản dị và tinh tế. Đặc biệt là trên cạnh thùng đàn, ở trên chỗ phình ra về phía trước, còn có thêm một cái lỗ thoát âm có hình dạng gần giống — có thể hơi méo hơn — nhưng to hơn quả trứng một chút.


Mặc dầu ngoại hình dịu dàng thế, nhưng nó được mắc dây sắt, và kêu cực kỳ đĩnh đạc.


Phi Long đã rất để tâm tìm một cây đàn để làm quà cho Vê-rôn-na, — còn gì phải nói về đàn nữa?


Nhưng tôi không thích chuyện này!


Vì tôi yêu A-nhi-a nhất. Và tôi gần gũi với tất cả bọn họ, nên tôi vẫn cảm nhận được có những chuyện này, chuyện khác, Phi Long đồng cảm với người này, người khác, hơn là với chị A-nhi-a tôi.


Tôi đã lục lọi giá sách của Phi Long và tìm thấy nguyên bộ bản in nhạc Beatles, đầy đủ cả khuông nhạc và hợp âm — có cả hình vẽ hướng dẫn cách bấm những hợp âm không thông thường — cho đàn ghi-ta. Yên tâm là "hàng hiệu" (của Phi Long mà), tôi cứ thong thả ôm cây đàn Đức luyện lần lượt từng bài theo thứ tự sách in, và theo băng cát-xét, — băng nhạc của Beatles Phi Long cũng có đủ cả, còn ghi chú thích tỉ mỉ trên vỏ băng và sắp xếp cẩn thận riêng ra một chỗ.


Có lần nhớ, tôi ra nhà văn hóa chơi, thấy tôi có vẻ ham, anh Va-lô-đi-a đã xếp cho tôi đánh tập thử cùng các anh lớn, tôi bị lóng cóng lúc đầu, rồi cũng cố theo được, còn được các anh khen.


Hôm qua, anh Kốt-xchi-a vừa mới ở đây...


"Bíp bíp bíp bíp bíp..."


Chiếc đồng hồ bầu bĩnh bây giờ mới báo thức. Tôi tắt "bíp bíp" rồi nằm im nghe. Bên kia yên ắng, — Vê-rôn-na chắc đến thẳng trường, hoặc chưa cần đến trường.


Năm học mới rốt cuộc đã bắt đầu.


Tôi đang nhảy theo các bậc thang cuối cùng, sắp xuống đến hành lang tầng một, thì thấy bác Rai-xa, bác vui vẻ gọi:


— Đim-ma đi khai giảng đấy cháu? Anh Phi Long sắp sang chưa?..


Nhiều người — cả người ở lẫn người coi — ở chỗ này đã quen với việc tôi sống ở đây như một sinh viên của trường; bác Rai-xa là người chịu trách nhiệm trông nom ngôi ký túc xá, thì còn quen hơn những người khác, — bây giờ mỗi tháng, anh A-li-ô-sa đều ghé qua văn phòng bác, và biếu bác một chiếc phong bì xinh xắn.


Cũng đang muốn tạo một tâm trạng phấn khởi, tôi cười, hẳn là tươi:


— Buổi sáng tốt lành, bác Rai-xa! Cháu đang đến trường đây.


Rồi tôi lấy giọng hát váng lên:


"Mở rộng ra, ở khắp mọi nơi,

Hàng trăm quyển sách học vần mới..."


Đấy là "Trường" Ca của trường tôi.


Vừa hát, tôi vừa giơ tay chào bác Rai-xa, và làm như đang vội, tôi đẩy cửa chạy luôn ra đường...


Coi như tôi đã không nghe thấy câu hỏi sau.


Buổi sáng mùa thu.


Phi Long đã hát và đọc cho tôi nghe nhiều bài hát và bài thơ về mùa thu, mùa thu ở một nơi mà tôi chưa đến bao giờ, nhưng sâu xa trong lòng tôi, lại luôn có một cảm giác thật là gần gũi với nó, và tôi luôn biết, biết một cách tuyệt đối chắc chắn, là một ngày tôi sẽ đến đó.


Hà Nội.


Mẹ tôi đã sinh ra và sống ở đó gần như cả cuộc đời.


Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội,

Những phố dài xao xác hơi may.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại,

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.


Đấy là một mùa thu khác.


Còn ở đây đang là một mùa thu khác.


Mùa thu, mùa thu!..

Mát-xcơ-va mơ màng sương mù, khói,

Những cánh sếu bay chấp chới mỏi

Trên những khu vườn sẫm chói lá vàng thau.


Những tấm biển con trên đại lộ đan nhau

Nhắc những người đi qua đi lại,

Vui vẻ trong tay, hay một mình chậm rãi:

"Cẩn thận, lá trút rơi!"


Nhưng hôm nay mới là mùng một tháng Chín, lá vàng chỉ lác đác, còn xa mới đến lúc lỡ cây rung thì chúng sẽ đổ xuống ào ào.


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...