Chính trị gia (2)

Một người như vậy... vào một lúc như vậy... và tôi ở đây...


Tôi bối rối lắm. Tôi cứ đứng nghệt ra nhìn ông, — vóc người không cao lớn, đã tương đối béo, có bụng, mặc bộ com-lê màu đen mặt đường nhựa có những sọc dọc sáng hơn màu nền một chút cách nhau chừng hai ngón tay, — ông đứng lặng lẽ và chăm chú ở đó, dưới một góc nhìn nghiêng hơi chếch từ phía sau, từ chỗ tôi.


Tôi đã muốn lẳng lặng rút lui, nhưng lại nghĩ dù sao cũng phải nói gì đó... May mà ông đã quay lại, hơi tròn mắt nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên:


— Cậu vào đi chứ, sao cứ đứng đấy? — Ông vừa nói vừa giơ tập giấy cầm ở tay chỉ vào chiếc ghế xa-lông đơn chỗ tôi vẫn ngồi mọi khi, trong khi bước lại chỗ mình vẫn ngồi ở góc bên phải chiếc ghế đi-văng.


Ông ngồi xuống, để tập giấy trước mặt, ngay bên cạnh chiếc lọ to — có khi gọi là chiếc hũ con sẽ đúng hơn — bằng pha lê dày dặn trong suốt, đựng nước trong suốt đến hơn phân nửa, trong hũ cắm một dây vạn niên thanh nhỏ xanh ngắt, chiếc hũ là vật duy nhất trên mặt bàn kính trong suốt hình ô-van; rồi ông lại quay nhìn — bây giờ hơi chếch sang phải — vào những con cá màu tím than đang bơi chầm chậm trong làn nước trong suốt sáng mờ mờ một cách không tự nhiên.


Thêm một lát, vẫn chưa quay hẳn lại, ông đưa mắt nhìn tôi:


— Cậu có...


Ông dừng lại giữa chừng, nhìn kỹ tôi một cái, rồi chắc là không nói tiếp điều ông đang định nói nữa, chỉ lẳng lặng gật đầu, — hoặc tôi đã nghĩ là ông gật đầu, — bảo:


— Ồ, là cậu mà.


Rồi ông không nhìn tôi nữa, cũng không nhìn bể cá; ông ngồi im lặng, nhìn vào một điểm nào đó trong khoảng trống ở phía sau vai tôi; còn tôi im lặng quan sát cái bớt — là một vệt da màu nâu, theo tôi hình dung thì vẫn được gọi là bớt, nhưng hình dung như vậy có thật đúng không thì tôi cũng không chắc lắm, cũng có thể phải gọi là vết nám... — bò từ trên đỉnh đầu hói xuống trán ông, phía bên phải. Thời sinh viên tôi đã nghĩ cái bớt này của ông giống bản đồ Châu Phi. Dạo này, và lúc này nhìn kỹ, tôi khẳng định là nó giống với nửa phía trên của Châu Mĩ...


— Bề ngoài cậu tỏ ra ít băn khoăn về những thứ xảy ra xung quanh, — tôi giật mình, vội trở lại ngay tư thế "hầu chuyện", vẫn nghe kịp ông nói, — nhưng điều đó mâu thuẫn với đầu óc và cách suy nghĩ của cậu.


Giọng ông là giọng sông Đông, "gờ" nói thành "hờ", có thể coi là ngọng. Tôi nhìn vào cặp mắt đen — giống mắt một sinh viên năng động, tuyệt không có gì là mắt của một ông già đã ở vào tuổi bát tuần — ở đằng sau đôi mắt kính trắng trong suốt không có gọng viền quanh, của ông: cái cách ông nhìn, tôi nghĩ là ai ngồi đối diện cũng sẽ phải nhìn lại, nhìn trực tiếp như vậy; ông đã định nói chuyện này, thì người đối diện sẽ rất khó tìm cách nói lảng sang chuyện khác, nếu không muốn nói là không thể.


Tôi cũng vậy, và tôi hiểu ông định nói gì. Nhưng hình như khi phải đối diện với một người như ông, tôi hầu như đã đánh mất khả năng xử sự một cách đơn giản và thoải mái, nên tôi đã nghĩ là vì ông đã nhận thấy tôi có nhớ tới và có để ý, nên ông mới chủ động cố tình nói thẳng vào chuyện này, mặc dù — theo tôi tự cảm nhận — bản thân ông sẽ rất không thoải mái, thậm chí đau lòng, nếu phải đả động tới nó.


Cho nên thật lòng tôi vẫn muốn lảng sang chuyện khác.


Tôi bèn tạo ra trên mặt mình một nụ cười mà theo chủ ý của tôi thì sẽ là vui vẻ pha chút ngượng nghịu:


— Cháu băn khoăn nhiều chứ, bác Mi-khai-in. Như sáng nay chẳng hạn, trời đẹp, nên cháu cố ý đi bộ một đoạn dài. Ở đầu phố, — tôi ngoái nhìn ra cửa sổ rộng; hai tấm rèm dày màu boóc-đô nhàn nhạt ngả sang tông nâu sồng, có hoa văn và những sọc rộng màu cà phê sữa nhạt theo chiều dọc, đã được vén sang hai bên và cài lại như rèm sân khấu; còn tấm rèm trơn trắng ngà ngà mỏng mờ mờ bên trong, vẫn mềm mại che kín khung cửa kính rộng, và lùng bùng trùm qua bậu cửa và lò sưởi nước nóng, quét gấu dài xuống sàn gỗ màu ở khoảng đâu đó giữa nâu và be; rồi tôi ngó trước ngó sau, và lấy tay chỉ phương hướng, — cháu gặp một xe công-ten-nơ vừa chở dâu tây đến bán. Dâu tây đựng ở trong những chiếc giỏ hình chữ nhật đan bằng gỗ lát phoi bào ấy ạ. Lúc ấy tự nhiên cháu nghĩ con người đã phải mất rất nhiều tâm sức biết bao nhiêu thế hệ mới làm ra được cái ô-tô to, rồi lại phải bỏ công ra chăm chút xăng dầu, bảo dưỡng cho nó, rồi lại y như những con kiến, cặm cụi khuân những giỏ dâu tây, chất đầy lên cho nó "ăn", nó "ăn" no rồi, thì bây giờ lại phải hì hục khuân xuống để cho nó "nghỉ", tóm lại là không khác gì phải hầu hạ nó... vâng, cháu biết là có thể vạch ra lô-gích, nhưng muốn nói sao thì nói, vẫn không thể tránh được cảm giác có cái gì đó thật vô lý trong tất cả chuyện này... hay như tối hôm qua, — sợ ông ngắt lời kịp, nên tôi đã vội vàng tiếp luôn, — có anh bạn rủ cháu đi ăn tối. Lúc ở nhà hàng, cháu cứ để ý đến một bác phục vụ. Bác ấy mặc đồng phục gi-lê lụa đen, làm việc luôn tay chân, đi lại như con thoi, nhưng trông luôn vui vẻ, niềm nở, và rất khéo léo. Cháu cứ nhìn và nghĩ là trong một ngày, bác ấy đã bưng bê biết bao nhiêu bữa ăn thịnh soạn, nhưng rốt cuộc lại chỉ để kiếm cho mình ba bữa đơn giản... vâng, cháu biết là ngoài ba bữa, bác ấy còn nhiều nhu cầu khác... nhưng nếu đã nhu cầu... thì sao lại... làm bồi bàn? Lô-gích thì có, nhưng rốt lại... vẫn có cái gì đó thật vô lý...


— Sao cậu không hỏi? — Tôi vừa nói vừa tiếp tục nghĩ đã gần xong mẩu "băn khoăn" thứ ba, mẩu tiếp theo, của mình; nhưng tôi chưa kịp chuyển sang mẩu ấy, thì đã nghe ông hỏi.


— ...


— Cái ô-tô, thì ừ... Nhưng bác bồi bàn, sao cậu không hỏi thẳng bác ấy?


Chuyện bác bồi bàn là có thật, nhưng cũng thật là tôi chưa bao giờ nghĩ đến một phương án như thế, nên tôi tắc tị. Lẽ ra tôi nên im, và lúng túng, có thể đỏ mặt, tóm lại là một cách thật thà; hoặc nói một cái gì đó, cũng thật thà, như là "Cháu cũng không biết", nhưng ngồi trước mặt ông, và nói những chuyện này, cảm giác của tôi lúc đó giống một sinh viên đang bị hỏi thi, cho nên theo một phản xạ chắc đã thành bản năng, cái ý có thể dùng để cãi đầu tiên vừa đến trong đầu, thì cũng tự động cất luôn lên thành lời:


— Cháu... cháu hỏi làm gì ạ? Cháu còn không hiểu thì bác ấy làm sao...


Tôi nhận ra mình nói ngu, thì đã quá muộn. Ông đang nhìn tôi bằng ánh mắt mà trong bối cảnh ngượng ngùng ấy tôi không thể biết đấy là — hoặc là lẫn lộn của — vui vẻ, tò mò, hay... có phần trách móc.


Còn may là lần này thì tôi im, và lúng túng, và — chắc là — đỏ mặt, tóm lại là một cách thật thà.


Tôi nhìn xuống mặt bàn, vào tập giấy A4, rồi quay sang, ngơ ngáo nhìn cái bể kính sáng xanh, xuýt nữa thì đã nói gì đó về cá, may mà không.


Nhưng không hiểu sao sự bối rối và sượng sùng ấy lại hết rất nhanh; tôi bỗng cảm thấy ngay, rất rõ, là mọi chuyện ngay lúc này đã lại có thể theo cách hoàn toàn tự nhiên, nên tôi vững dạ quay lại, nhìn vào mắt ông — ông vẫn để chúng nguyên như thế, như đang có ý chờ, — và nói:


— Bác Mi-khai-in, cháu... tại cháu vẫn chưa thể hình dung cho thật rõ ràng những gì cháu muốn hỏi bác.


— ... — Ông không nói gì, vẫn nhìn cố định như cũ, có lẽ đã hơi nghiêng đầu một chút.


— Nếu cháu là nhà báo, cháu sẽ hỏi nhiều để có một bài báo ăn khách. Nếu cháu là người khác, người mà đơn giản là đã có được một cơ hội để hỏi bác, thì cháu sẽ hỏi nhiều vì tò mò. Còn cháu... cháu... — Tôi lúng túng.


— Cậu biết không, — ông khẽ nhún vai, — cũng không nhất thiết... là cứ phải hỏi...


Và lúc đó, hoàn toàn không theo chủ ý của tôi, câu hỏi đã đột nhiên văng ra:


— Bác Mi-khai-in, hồi tháng Tám ở Pha-rốt, bác đã đặt không chỉ bác, mà cả gia đình, — cả bác Rai-xa, cả Nát-xchi-a đều đang ở đấy... — trong một tình huống nguy hiểm...


— Sao lại tôi đã đặt?.. — Ông ngắt lời tôi ngay.


— Một cách không mong muốn, rất không mong muốn...


— Không, khoan đã, tại sao lại là tôi? — Ông dường như đã trở lại với tâm trạng và thói quen tranh luận mà ông vẫn thích. — Đã rất rõ ràng, ai là tác giả việc xảy ra ở Pha-rốt...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...