Bóng ma (2)

Ông Phạm Long Dũng là một trong những người đột ngột giàu lên rất nhanh trên sàn chứng khoán.


Tuần trước, cô Phạm Như Anh thắt cổ tự tử. Cô Anh là con gái lớn ông Dũng, người ta đồn cô tự tử vì bị ông Dũng đối xử không tốt.


Chôn cất cô Anh xong, ban đêm, ông Dũng vừa lên giường ngủ, thì nghe rõ tiếng chân cứ đi đi lại lại ở gần cửa buồng mình.


Mở cửa, ông thấy bóng cô Anh đang đi về phía đầu cầu thang. Đúng cô Anh.


Ông đi theo, gắng trấn tĩnh, đứng nhìn xuống. Ông thấy cô xuống tiền sảnh, loanh quanh một lúc, rồi mở cửa, đi ra. Ông vội theo ra, thì ở ngoài vắng không, không thấy ai cả. Tìm xung quanh nhà, cũng hoàn toàn không thấy gì.


Đêm hôm sau, cũng đúng lúc ông vừa lên giường, thì nghe thấy tiếng như tiếng những viên sỏi nhỏ ném lạch cạch vào kính cửa sổ. Mở cửa, ông nhìn thấy đúng cô Anh đang đứng ở dưới nhìn lên, một tay còn đang giơ lên.


Vốn là một người duy tâm, ông Dũng đã cố công mời bằng được ông Bùi Hạnh — một nhà tâm linh rất uy tín, — và rước ông Hạnh từ Hải Phòng lên để tổ chức một buổi gọi hồn. Buổi gọi hồn đã diễn ra chiều hôm qua, trong phòng người chết.


Theo ấn tượng của tất cả những người tham dự, cũng đều là những người rất biết cô Anh, thì buổi gọi hồn đã diễn ra rất có kết quả, — hoàn toàn đúng theo danh tiếng không phải tự nhiên, không phải một ngày, không phải đột ngột mà có được của ông Bùi Hạnh, một nhà tâm linh, một vị giáo sư, một tiến sĩ khoa học.


Hồn đã nhập vào ông Hạnh.


Quá khứ, gần, xa, tuổi thơ, tâm trạng đau khổ khi bố mẹ bỏ nhau, nỗi đơn độc, những bức xúc, mâu thuẫn gay gắt với bố, dằn vặt, ý định bỏ nhà đi, rồi ý định tự tử... mọi thứ đều chính xác, hợp lý, và lô-gích đến nỗi tất cả những người có mặt ở đấy không ai không nghĩ rằng đấy chính là cô Anh, không thể khác được! Ngay cả cái chết của cô, đối với họ, bất kể cái cách cô chết, đã tự nhiên trở thành một chuyện hết sức tự nhiên. Tự nhiên, vì có nếu có thì, có đầu có đuôi, dễ hiểu, và hợp lý.


Nhưng tất cả những thứ chính xác, tự nhiên, hợp lý, và lô-gích ấy đều chỉ ở trước thời điểm sợi dây siết lại, và hơi thở bay đi.


Sau thời điểm đấy: Không gì cả!


Hoàn toàn không gì cả, chính xác nhất theo nghĩa "không gì cả". Đơn giản không có câu trả lời. Hồn như bị điếc.


Gọi hồn xong, họ mở cửa và nhìn thấy một mảnh giấy, được cắm lên cánh cửa từ phía bên ngoài, bằng một con dao nhọn.


Ông Dũng vội chộp lấy mảnh giấy, đọc, và lập tức lên cơn đột quỵ. Người giúp việc đã cố gắng tìm thuốc của ông trong tủ thuốc, nhưng không còn một viên nào. Ông Dũng chết trước khi cấp cứu 115 đến nơi.






Căn nhà xây theo lối hiện đại với những hình khối vuông, mái bằng, trắng xám, và những khuông kính rộng, không màu. Mưa đã tạnh một lúc. Mai Phương và trung tá Đại Lâm đi qua một lối đi vừa rộng, lát đá phiến chằn chặn, bằng phẳng, màu trắng; bên trái là một ao nước trong xanh, nhân tạo, có hình dạng phức tạp chắc liên quan đến ý đồ phong thủy, giữa ao có hòn giả sơn nước chảy róc rách, gần đấy có mấy con chép Nhật Bản mặt mũi đần độn, khoang trắng, đỏ, đen, đang bơi lừ đừ. Lối đi hơi gấp khúc sang trái, viền theo mép ao, rồi thẳng theo hướng cũ thêm một đoạn ngắn, dẫn đến những bậc thang đá trắng bước lên thềm nhà phía trên.


Cửa mở hầu như ngay khi trung tá Đại Lâm vừa trao đổi nốt với Mai Phương những chi tiết cuối cùng.


Ra mở cửa là một người phụ nữ tuổi ngoại bốn mươi, mặc chiếc áo nhẹ màu trắng, váy dài quá gối, màu ngà, lốm đốm nâu, tóc ngắn, còn đen, phía trước có những sợi nâu nhạt, dáng vẻ nhẹ nhõm, nhanh nhẹn, nét mặt buồn, nhưng rõ là buồn theo hoàn cảnh, vì không khó nhận ra đôi mắt hay cười, hàm răng trắng bóng, cái miệng tươi tắn, — vốn là một khuôn mặt không quen buồn.


— Chị Mai. — Họ đã gặp nhau một lần.


— Anh đã đến... Mọi người đều ở trong phòng khách.


Đang đi vào phòng khách, Mai Phương níu tay trung tá Đại Lâm:


— Mình nên gặp ở phòng người chết.






Phòng người chết xám xịt.


Là đã xám xịt từ lúc người sống.


Xám đồng bộ, từ sàn gỗ, tường, trần.


Không có đồ đạc.


Là đã không có đồ đạc từ lúc người sống.


Thậm chí không có giường, chỉ có một chỗ gọi là bệ nằm thì đúng hơn, ở cạnh cửa sổ; cửa sổ không có khung, không có rèm, từ trong nhìn ra cũng không thấy cánh cửa, chỉ là một miếng kính lửng cao quá nửa và căng hết chiều ngang bức tường; bệ nằm trống trơn, không chăn, không nệm, chỉ có hai chiếc gối hình hộp chữ nhật cỡ bằng chiếc gối to thông thường đặt ngay ngắn cạnh nhau ở phía đầu "giường", một chiếc nâu sồng, một trắng tinh.


Bộ xa-lông kê giữa phòng tuyệt đối đồng bộ phong cách như vậy, chỉ là những hộp vuông bèn bẹt cùng cỡ, bọc vải dày trắng tinh căng phồng, cao quá nửa bắp chân, rộng một người mông to ngồi thoải mái, tùy tiện xếp ngay ngắn lắp ghép vào nhau; vài hộp có một khúc hình trụ như cái gối ôm, cũng căng phồng, cái nâu sồng, cái trắng tinh, gá nằm dọc theo một cạnh mặt vuông, — tựa ghế; có vài chiếc gối khác cũng hoặc nâu hoặc trắng — gối vuông thông thường, không phải gối hình hộp chữ nhật hay gối ôm — vứt không có bố cục trên xa-lông.


Chỉ có bệ nằm và ghế ngồi, ngoài ra không còn bất kỳ thứ gì khác, sạch như lau như ly, theo mọi ý nghĩa.






"Tất cả mọi người đều ở yên chỗ mình. Ý tôi muốn nói trước và sau khi tôi làm thế thân cho cô Anh. Vì trong thời gian đó tôi hoàn toàn không có nhận thức riêng.


"Cô Anh chết trẻ, và mới chết, chưa đầy 49 ngày, trong thời hạn này, khả năng lớn nhất, cô ấy vẫn còn là một dạng vật chất được gọi là Thân Trung Ấm, một dạng vật chất rất gần với chúng ta, nên tôi đã đi vào trạng thái thế thân rất nhanh. Trước đây đều như vậy, với các trường hợp tương tự.


"Như một ca thế thân thông thường của tôi, tôi chỉ sử dụng ba thứ: một quả cầu pha lê, một nguồn sáng chuyên dụng, và một quả lắc bằng bạc nguyên chất. Ở đây yên tĩnh, có hơi hướng tốt, rất phù hợp, những người tham gia đều tập trung tốt và thật sự có mong muốn giao tiếp với người đã khuất, và mọi chuyện diễn ra hoàn toàn tốt.


"Về phương diện gọi hồn, tôi nghĩ tuyệt đối không có gì bất bình thường, không có phát sinh gì.


"Rồi bỗng xuất hiện mảnh giấy đó!


"Tôi là người cuối cùng vào phòng cô Anh. Trước khi vào, tôi đã quan sát sơ bộ, — đấy là một phần... nghiệp vụ. Cánh cửa này dày dặn, đã cũ, làm bằng gỗ mộc, loại gỗ rắn chắc, không hề có mối mọt. Lúc đấy mảnh giấy không găm trên cánh cửa. Tuyệt đối không có gì trên cánh cửa.


"Trước đây đã ghi nhận trường hợp dùng lực tinh thần uốn cong được một chiếc thìa. Cũng đã ghi nhận trường hợp ý thức tinh thần được vật chất hóa, nhưng chỉ dưới dạng bột mịn, một nhúm bột trắng mịn..."


Ông Bùi Hạnh, tuổi ngoại sáu mươi, đeo một cặp kính dày, cả gọng và mắt kính như cùng được đúc ra liền lạc, cùng một màu hổ phách nhạt, trong vắt; tóc đen, chắc đen nhuộm, vì hai lông mày đã bạc; mũi cà chua, môi đậm đà, tai rộng. Ông mặc bộ vét sọc màu gỉ sắt nhạt, cổ áo to; sơ mi trắng có sọc thưa màu xám, cà vạt xanh chì có hoa văn các hình tròn màu hoa cà. Ông nói đúng giọng Hải Phòng. Lúc nói, ông hay để hai bàn tay khum khum, chạm các đầu ngón hai bên vào nhau, mắt nhìn sang bên cạnh, xuống một điểm nào đó ở dưới sàn.






"Tôi đã có mặt trong suốt thời gian gọi hồn. Đúng là cô Anh. Không thể là ai khác được. Có những việc, chỉ có tôi và nó... và cô ấy biết với nhau, hoàn toàn riêng, giữa hai bác cháu tôi.


"Ông Dũng đã nhận được đúng cái ông ấy phải nhận... Như Anh nó... Cô Anh đã... Chính ông ấy đã làm nó chết... không khác gì như ông ấy đã tự tay đâm chết nó..."


Bác Mai khóc nấc lên, bàn tay miết miết quệt nước mắt trên má.


Bác Mai là người giúp việc trong gia đình ông Dũng đã từ lâu, ngay từ sau khi ông Dũng bỏ vợ, lúc ấy ông vẫn còn là một trí thức trung lưu, gọi là nghèo, cũng không mấy sai.






"Phòng Như Anh ở cuối hành lang, nên cánh cửa mở ra ngoài, về phía ấy. Gọi hồn xong, tôi là người cuối cùng ra khỏi phòng và khép cửa.


"Và lúc ấy tôi nhìn thấy mảnh giấy. Lẽ ra tôi phải suy nghĩ gì đó, trước khi kêu lên. Nhưng tôi đã kêu lên. Tôi không kịp nghĩ gì cả.


"Con dao được cắm chắc vào cửa, tôi đã giật nó ra, cầm trong tay run rẩy, và hét lên với mọi người. Thật là ngu ngốc!


"Mặt anh Dũng đã trắng bệch ra ngay từ trước lúc đọc tờ giấy, giống như anh ấy đã biết nó sẽ viết gì..."


Bà Lê Lan Phương mặc quần đen, vải mềm, áo khoác len mỏng, mềm, cũng màu đen. Khuôn mặt phụ nữ miền Nam điển hình, với những nét có thịt, lành lành, dễ gần; mái tóc đen, rẽ ngôi mượt, buộc gọn đằng sau; đôi mắt hiện tại trông như mắt trẻ con, phần vì hơi lác trong, phần chắc vì khóc nhiều.


Ông Dũng gặp bà Phương trong một cuộc hội thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh mấy năm trước. Hai người cưới nhau ngay sau đấy ít lâu.






"Tôi tự trách mình. Tôi sẽ tự dằn vặt suốt đời. Bố dượng tôi có thu nhập cao và thương tôi như con đẻ, chưa bao giờ để tôi thiếu thốn bất kỳ thứ gì.


"Tôi có đủ tiền riêng. Lẽ ra tôi đã phải trở về đây và đưa chị tôi đi khỏi chỗ này.


"Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ là mọi thứ ở đây lại tồi tệ đến như vậy.


"Tôi đã xem ảnh chị tôi. Tôi tin đấy đúng là chị tôi. Tôi cũng nhìn thấy chị ấy vào cái đêm chị ấy ném sỏi lên cửa sổ. Đúng là chị ấy..."


Không khó cảm nhận những gì vẫn chưa lắng lại được trong cảm xúc của Phạm Giang Linh, nhưng mắt cô thì đã ráo hoảnh.


Mắt ráo hoảnh, và cận, cận thị hơi nặng. Lác, thì không cân đối về hình dạng, chủ yếu là vị trí lòng đen. Còn cận thị hơi nặng, khi không đeo kính, thì ánh mắt hai bên cái dài cái ngắn, lúc dài lúc ngắn không đều, gây cảm giác thiếu tự nhiên, hoàn toàn không khó nhận ra.


Cô mặc chiếc quần bò chun bạc màu, bó thật đẹp lấy cặp chân dài thẳng tắp. Hông nở, eo thon. Chiếc sơ mi màu trắng trong, cắt may theo thời trang hiện đại, với một vệt họa tiết màu xám tỉ mỉ cầu kỳ chạy dọc theo một bên mép vạt áo; áo vừa vặn với người và tôn lên những đường quyến rũ trên thân thể trẻ trung được chăm sóc tốt về dinh dưỡng. Nhưng cô cận thị nặng, mũi hơi to, trắng trẻo, cớm nắng, hiền lành, động tác không giống một người năng hoạt động. Một cô gái con nhà lành, ngoan, chăm học, chắc là mọt sách.


Lúc bố mẹ bỏ nhau, cả hai cô còn nhỏ. Lúc ấy Phạm Như Anh ở lại đây với bố, còn Phạm Giang Linh theo mẹ sang Úc. Cuộc ra đi tức tưởi. Và cô không liên lạc với người thân suốt từ đấy. Cô chỉ mới về đây, trực tiếp vì cái chết của chị. Tức tưởi mà đi, lại tức tưởi mà về. Không phải cô tức tưởi. Mà số phận theo cách của mình thích đặt cô vào bối cảnh tức tưởi.


— Không phải chị ấy! — Trung tá Đại Lâm đang vừa chăm chú ghi chép, vừa quan sát Phạm Giang Linh, thì nghe một giọng nói lạnh lẽo bất ngờ cất lên...


(Còn nữa)


Chỉ đạo võ thuật: Mr. Đào Phò

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...