Động cơ vĩnh cửu (26)

Hoa Bồ Công Anh

Mang theo bao nắng?

Em chờ mong anh

Mang về Hạ trắng.


Anh cố mang nặng,

Hạ bảo: “Phiền nhiều...

Chàng trai có biết

Hạ nặng bao nhiêu?”


Anh bước liêu xiêu,

Hạ bèn nhắc nhỏ:

“Nặng, nhẹ ở chỗ

Chàng vác bao lâu!”


Mệt mỏi, vai đau...

Anh như bừng tỉnh,

Bỏ Hạ lại đó,

Để về cho nhanh.


Hoa Bồ Công Anh

Mang theo bao nắng?

Em chờ mong anh,

Anh về... tay trắng.


Đào Phò lên mạng chơi, nhìn thấy một bức ảnh, thấy có nét hào hứng, bèn ứng khẩu và bốt luôn một bài thơ, — kiểu như bài này.


Việc đó nói chung sẽ khiến cho nhiều người có cảm nhận về một anh chàng lãng mạn, giàu tình cảm, yêu và có năng khiếu thi ca nói riêng và nghệ thuật nói chung, thậm chí dễ suy ra thành... thông minh, nhạy cảm, và sâu sắc.


Cảm nhận đấy có thể có chỗ đúng, chỗ không; nhưng dù thế nào thì nói chung cũng luôn “cộng điểm” cho nó. Lên mạng chơi được một hồi, thì bản thân nó tỏ ra rất khoái chí: khoái chí vì bản thân chuyện “cộng điểm” ấy, và còn khoái chí nữa vì thật ra... đấy là cái mà khởi đầu nó đã hoàn toàn không nghĩ đến.


Đấy là một thứ hệ quả, một hiệu ứng phụ.


Nó thường hay được khoái chí như vậy, còn tôi thì thường vẫn lại có cảm giác ngạc nhiên mỗi lần nó lại khoái chí. — Cuộc sống của nó, hầu như trong tất cả mọi chuyện, luôn diễn ra theo mô hình hiệu ứng phụ như vậy. Đến nỗi thực ra, theo tôi, “phụ” ở đây chỉ nên hiểu là “không phải mục đích ban đầu” thôi, còn nếu xét về quá trình, mức độ, và kết cục, thì “phụ” đấy về bản chất xứng đáng phải được là “chính”.


Nó luôn bắt đầu với một cái gì đó, và kết thúc với một thứ khác, nhiều khi khác hẳn. Và vẫn tiếp tục khoái chí!


Nó chăm chỉ học đánh đàn, mục đích là để tán gái; nhưng sau khi học chán chê và chơi chán chê, thì nó thành ra thật sự ham hiểu về âm thanh, — cái mà lúc đầu nó không hề quan tâm.


Nó chăm chỉ học vẽ tranh, mục đích cũng là để tán gái; nhưng sau khi học chán chê và chơi chán chê, thì nó thành ra thật sự ham hiểu về màu sắc, — cái mà lúc đầu nó cũng không hề quan tâm.


Nó chăm chỉ đọc Kinh Thánh, Kinh Phật, mục đích cũng là để tán gái; nhưng bây giờ hình như nó đang, — có khi đã, — trở thành người có đức tin thật! — Chuyện này, nếu đúng, thì không phải chỉ là không quan tâm, mà cả nó, cả nhiều người khác, đều không thể, không bao giờ có thể ngờ được đến một kết cục như thế!


Rất có thể, cuộc sống không trôi đi theo cách một lèo, mà mang tính chu kỳ, cho nên đến lúc nó ứng khẩu làm một bài thơ chỉ vì một sự ham hiểu rất đơn thuần “thi ca”, thì chuột lại quay lại đuổi mèo.


Có thể như vậy, cũng có thể không.


Có một lần, lâu rồi, — Nhật Linh và Đim-ma hồi ấy, bảo là còn nửa trẻ con nửa người lớn cũng không mấy sai, và chỉ mới biết Đào Phò, — bố Nhật Linh cho ba đứa chúng tôi đi nghỉ hè ở một khu nhà nghỉ ở ngoại ô xa, trên đồi cây, gần bờ sông Ô-ka.


Buổi chiều, nắng gần như đã nằm bò ra, gió thổi nhè nhẹ, hơi lào xào, mát mẻ; tôi thong thả tản bộ theo lối đi nhỏ len lỏi giữa những thân cây không to nhưng cứng cỏi, thẳng và ít cành, mọc nhiều nhưng thưa, giống như phi lao nhưng chắc là không phải; đi về phía bờ sông. Khung cảnh như thế, đi vô định như thế, cảm giác thật là dễ chịu, dễ chịu trong lòng, và lãng mạn nữa.


Gần đến mép đồi cây, thì không còn đủ thân cây để che kín phía trước, và tôi đã nhìn thấy mặt nước dòng sông lấp lánh nắng chiều. Chắc chỉ là cảm giác do thay đổi, nhưng khi bước ngang qua thân cây cuối cùng mọc ở mép ngoài theo hướng tôi đi, thì tôi thấy như có làn gió ùa thẳng vào lồng ngực, không khí bỗng như nhiều hơn, bát ngát hơn.


Trước mặt là bờ dốc dài, dẫn xuống chân đồi; từ chỗ đấy ra đến bờ sông còn xa. Tôi rẽ ngang, sang phải và tiếp tục đi theo mép quả đồi, vừa đi vừa lúc lúc nhìn về phía dòng nước lấp lánh.


Đúng vào một lúc tôi đang nhìn như thế thì tôi nghe thấy một giọng nói quen. Quen không phải vì của một người quen, quen không phải vì là tiếng Việt, mà vì của một người đồng hương. — Người sống ở nước ngoài, luôn nhận ra khẩu ngữ quê mình.


Đằng trước bị chói nắng, nên tôi phải che tay mới nhìn rõ. Cách khoảng hơn mươi mét, chếch sang trái một chút — cũng là hơi thấp xuống so với chỗ tôi dừng lại, — có một con hươu đang đứng trơ trọi. Con hươu màu xám, chắc được đúc bằng bê tông. Có một người đang đứng nhìn ra sông, tay vỗ vỗ vào ức nó...


— Bao nhiêu mùa đông, bao nhiêu mùa hè... lâu quá rồi, lâu ghê... — Mái tóc đen xõa đến vai bay bời bời, dáng gày gày, nho nhã, người lớn tuổi hơn tôi, có khi hơn nhiều, nhưng giọng nói thì trẻ trung, vui vẻ và thanh thoát, lối ngoại ngữ dù vẫn nhận ra khẩu ngữ quê tôi nhưng hoàn toàn có thể nói là “chuẩn như Tây”; tôi giỏi ngoại ngữ, và tôi biết ít người có thể nói được như thế. — "Hãy lôi anh chàng lên núi, mạo hiểm một chút..." — Người ấy chợt cất tiếng hát khe khẽ, hát cũng chuẩn, đấy là lời một bài hát rất hay và rất cũ.


Tôi cứ đứng yên lặng và ngắm nhìn.


— Về được chưa, anh? — Giọng nói này thì không quen, hoàn toàn không có khẩu ngữ quê tôi, hay khẩu ngữ quê khác. Mái tóc vàng rực rỡ dài hơn mái tóc đen. Có một cái gì đó thắm thiết vô cùng trong cái cách hoàn toàn không sỗ sàng, cũng không thường thấy ở trong phim, mà họ đứng bên nhau và cùng nhau ngắm nhìn dòng nước sông Ô-ka.


Người đàn ông đã mỉm cười, rạng rỡ và nhã nhặn, cặp mắt sáng, — mắt đen, — nhìn nhanh nhưng rất sâu vào mắt tôi, hình như anh đã định nói gì đó, rồi lại thôi; còn người đàn bà, — chị đẹp lắm, — cười với tôi, như với một người quen.


Tôi hiểu tôi vừa nhìn thấy không phải là một chuyện tình, mà là một thiên tình sử.


Buổi tối, tôi nói chuyện điện thoại với Đào Phò, và hơi bất ngờ, lúc nó bảo nó đang chuẩn bị đến đây ngay, nó bỗng thấy nhớ chúng tôi...


Quá nửa đêm thì nó đến thật, vui vẻ, hồ hởi, hưng phấn... và truyền được quá phân nửa nhiệt tình của nó cho những người xung quanh; nên hết cả ngày hôm sau, tôi mới biết thực ra nó không nhớ nhung gì lắm và hoàn toàn không có ý định đến với chúng tôi.


Một đêm hào hứng và chúng tôi đã đi ngủ rất muộn, ngủ dậy thì nó đã đi đâu. Nó đi đâu mất hút suốt cả ngày.


Và đến xế chiều, tôi bắt gặp nó đang ngồi, một tay nắm lấy cẳng trước con hươu — con hươu đúc bằng bê tông hôm trước, — người ngoảnh ra sông, bàn tay kia bấu xuống cỏ và đất — chỗ ấy cỏ thưa, — hai vai rung lên, và đang khóc nấc thành tiếng, khóc đúng như trẻ con đang khóc.


Nắng không còn nhiều và những tia nắng đang mất dần khối lượng, không gian chỗ đấy thật loãng, thật cao, thật thấp, và thật rộng, hai chúng nó thật nhỏ.


Tôi, lúc điện thoại với nó hồi đêm, tất nhiên, đã kể cho nó nghe về cuộc gặp lúc chiều.


(Vẫn còn)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...