Chúa Giê-xu ở hoang mạc

CHÚA GIÊ-XU Ở HOANG MẠC



"Tôi bắt đầu viết, nói đúng hơn là tôi kết thúc cuốn tiểu thuyết đã được bắt đầu, các cháu học, vợ tôi bận rộn, vừa dạy dỗ vừa có mang và bởi thế mà ốm đau. Đã một tuần nay ngày nào cũng có một anh chàng họa sĩ đến vẽ chân dung tôi cho phòng tranh, và tôi ngồi tán chuyện với anh ta và cố biến anh ta từ niềm tin Thủ đô thành niềm tin vào lễ rửa tội. Tôi đồng ý ngồi làm mẫu, vì anh ta thân chinh đến, đồng ý làm cho chúng tôi một bức chân dung khác giá rất rẻ, và vợ tôi thì cố thuyết phục.


Còn đối với tôi thì anh ta là một người rất hay, một loại người trong sạch nhất của trào lưu mới nhất của Thủ đô. Trào lưu ấy đã phản ánh trên một bản chất nghệ sĩ và rất tốt. Bây giờ anh ta đang kết thúc cả hai bức chân dung và ngày nào cũng đến, ngăn trở không cho tôi làm việc."


Cuối tháng Chín, một buổi sáng trời mưa, tôi đến chậm.


Ông ấy ngồi chờ tôi trong chiếc ghế bành cứng ở cửa sổ về phía bắc của gian phòng lớn.


Tôi cầm lấy bức chân dung, bắt đầu vẽ rồi lại bỏ xuống.


— Ngài làm sao thế, buồn vì thời tiết ư? Thời tiết tốt, cho cây cối tươi tỉnh lại một chút, còn mưa hôm nay thì không lâu đâu.


— Thế còn anh sao lại buồn? Thiếu ánh sáng chăng?


— Bạn tôi chết rồi, anh bạn tài năng mà tôi đã nói với ngài. Tuy tôi mới quen anh ấy được năm năm và anh ấy trẻ hơn tôi nhiều, nhưng tôi học tập ở anh ấy. Vậy mà anh ấy cứ vẽ trang trí những bức rèm vớ vẩn cho những người giàu có và quyền thế, vẫn cứ hy vọng là họ sẽ giúp đỡ chạy vạy cho anh ấy. Anh ấy cần chạy chọt: anh ấy vốn là một người không có địa vị rõ ràng...


— Chúng ta đi dạo đi, mưa tạnh rồi đấy.


— Anh ấy là một họa sĩ ở độ cao quá mức bình thường, gần như không thể tin là có thật...


Ông dẫn tôi ra vườn, đi dạo lâu và bước những bước quả quyết.


Những thân bạch dương được trận mưa rửa sạch trắng lên rực rỡ.


Ở dưới kia, bên dưới đồng cỏ, dòng sông êm đềm màu xám bạc và hầu như đậm đặc, bắt đầu ngả màu xanh.


— Trong tiểu thuyết của tôi, — ông nói, — người đàn bà sẽ chết dưới bánh xe của đoàn tàu, để lại cho người đàn ông niềm ăn năn, hối hận. Tôi đã trông thấy người ta mổ tử thi của cô ta; ở đây này, gần lũy rừng, trong nhà kho ở trên tuyến đường, gần nhà nghỉ của anh.


Tôi im lặng dẫm lên đám lá sặc sỡ phủ kín con đường nhỏ.


— Tôi viết về một người, — ông tiếp, — có tội đối với những người thân, hối hận, nhưng không thể làm gì được. Chúng ta sống như thế này để làm gì nhỉ? Đấy, anh bạn của anh...


— Ngài cho là tôi có lỗi?


— Tôi không nói về tôi và cũng không nói về anh, anh bạn ạ. Nhưng ví thử cứ lấy tôi làm ví dụ. Tôi là một người nổi tiếng, một địa chủ, tôi lại còn mua đất, và sẽ nổi tiếng như Tuốc-ghê-nhép.


Ông nhìn lên những cây sồi — những cây sồi chắc là quen thuộc từ thời thơ ấu, quen thuộc trên những trang tiểu thuyết của chính ông, và nhắc lại, như tự nhủ:


— Để làm gì?


— Ngài biết không, tôi cố không nghĩ như thế.


— Tôi không nói về tôi. Đây, có một điền chủ trong truyện của tôi, anh ta giáo dục các con, trồng những cây táo, người vợ trẻ của anh ta tay hòm chìa khóa, nấu mứt quả. Nhưng để làm gì? Anh ta thấy hình như chỉ có một lối thoát — tìm hiểu tất cả sự ngu ngốc của cái trò đùa đang trêu cợt anh ta, và chợt nhớ ra là có nước, có dao, có súng, và một khoảng đất rộng dưới bánh xe của toa tàu.


— Ngài theo đạo?


— Tôi làm đủ vẻ mặt của một người theo đạo và nói những lời tôi đã thuộc lòng. Tôi phục tùng truyền thuyết. Khi nào truyền thuyết bảo tôi là mỗi năm một lần tôi phải uống rượu nho mà người ta gọi là máu của Chúa, thì tôi uống, còn vào những ngày nhất định thì tôi ăn bắp cải.


— Anh bạn tôi thì không có họ, không có giấy thông hành, không có nhà. Những người đó khó khăn hơn, họ chẳng có gì để bấu víu cả.


— Còn anh điền chủ trong truyện, anh ta vẫn tiếp tục sống, khi đã hiểu mọi điều ác và tính chất vô nghĩa của cuộc sống; đó là lối thoát của sự yếu hèn. Còn trong tâm hồn thì mọi sự đảo lộn và không sao sắp xếp lại được.


— Nhưng ngài vẫn viết!


— Vẫn viết, nhưng viết không ra.


— Người ta làm phiền ngài chăng?


— Tôi nghĩ là nghệ sĩ của âm thanh, đường nét, màu sắc, ngôn từ, ngay cả ý nghĩ trong trạng thái đáng sợ, một khi không tin vào những ý nghĩ của những biểu hiện tư tưởng của mình, thì cái đó cản trở, làm phiền đấy.


— Điều đó tùy thuộc vào cái gì?


— Tình yêu thì lo âu, niềm tin thì bình thản, khi thì có, khi thì không. Giờ đây tôi đang lo âu. Khi nào không viết được, tôi tìm kiếm những chuyện bận rộn tíu tít và công việc; tôi tranh luận với các nhà giáo, chuẩn bị viết lại một cuốn sách cũ, tôi suy nghĩ, tôi ngồi làm mẫu.


— Ngài cứ toàn nghĩ đến chuyện buồn.


— Tôi rất thích những thảo nguyên, nhưng ở đấy có nạn đói.


— Tôi đã đọc trong báo.


— Tôi đã viết, đã hỏi ý kiến vợ tôi, để các quan cai trị không nổi giận và cho phép được giúp đỡ.


— Ở gần chỗ chúng tôi cũng đói lắm.


— Mất mùa, người ta bán gia súc đi, bớt lúa giống, đàn ông bỏ đi các nơi, đàn bà ở lại nhà, gặt, và mỗi ngày làm việc nhận được có mười xu. Giá cả sụt xuống — chẳng có gì mà trả.


— Ngài nghĩ thế nào, ngài hiểu biết công việc này, rồi sẽ ra sao?


— Có mưa thì sẽ được mùa... Còn tôi thì lúc nào đó sẽ kết thúc cuốn tiểu thuyết.


— Tất cả chúng tôi đang chờ!


— Và tôi cũng chờ, tôi đang mua đất; có hai ngàn ở thảo nguyên, tôi lấy của một người nhàn rỗi bốn trăm nữa. Nhưng cuộc sống bị đứt rễ. Lúa thì chở đi, thảo nguyên bị cày xới hết, xung quanh đây đường sắt triệt hạ cả rừng cây, còn tôi cứ viết, cứ lật đi lật lại tất cả, không sao sắp xếp được. Còn công việc của anh — những bức chân dung cau có của tôi được đấy. Buổi sớm hôm nay tôi vào phòng, dựng cả hai bức chân dung lên, tôi ngắm, thấy hai người — cả hai đều giống. Tốt lắm. Nhưng còn bức tranh "Chúa Giê-xu ở hoang mạc" của anh — tôi không hiểu và tự hỏi: Có phải Chúa đấy không?


— Tôi không tin đấy là Chúa. Nhưng tôi không biết vẽ bức tranh theo cách khác. Tôi vẽ các chân dung. Đấy, tôi muốn vẽ bức tranh "Cười": khuôn mặt Chúa Giê-xu, còn xung quanh Chúa mọi người cười phá lên. Những bộ mặt khác nhau. Và tôi không hài lòng.


— Anh không hài lòng vì cái gì?


— Vì đó sẽ là những chân dung, những cái đầu. Và trung tâm của tôi — Chúa Giê-xu — không có.


— Phải, tôi nhớ bức tranh của anh. Một buổi sáng lạnh lẽo, hoang mạc nhiều sỏi đá, một người ngồi suy nghĩ. Chỉ có điều tại sao đó lại là Chúa Giê-xu, tại sao lại là Chúa? Có cần như vậy không?


— Tôi không tin ở sự thụ thai trinh bạch, nhưng theo lô-gích của con người thời bấy giờ, và nhất là của phương đông, thì một con người phai thường phải sinh ra bằng cách phi thường. Trong vấn đề này không có gì là xấu.


— Anh nói thế thật hay, nhưng có phần độ lượng đấy.


Tôi bước đều đều, rồi, vừa nhìn xuống dưới chân, vừa nói, chân bước nhanh hơn:


— Bức tranh ấy bắt đầu như thế này: có một lần tôi lang thang ở Pê-téc-bua vào một đêm trắng. Bóng đêm không có, mọi vật đều sáng, xung quanh là những hàng cột, tượng đài, tháp vàng. Một người tóc dài, khăn quàng rộng vắt lên vai, đang ngồi trên chiếc ghế đá ở bờ sông trước mặt quảng trường Xê-nát. Người ấy không ngoảnh lại khi nghe tiếng bước chân tôi, người ấy đang suy nghĩ, nghiêm túc và sâu sắc. Tôi đi tiếp, tôi cũng đang suy nghĩ. Tôi vừa đi vừa nghĩ về nghệ thuật. Tôi muốn vẽ một bức tranh, nhưng tôi vốn là con một người đàn bà Cô-dắc và một viên thư lại, một năm tôi cần nhiều ngàn để cho con cái tôi cũng được như con nhà khác. Và thế là phải đóng đinh mình vào những mái vòm nhà khác, vẽ móng chân móng tay các thánh thần. Tôi cứ đi và suy nghĩ là nghệ thuật chỉ nắm được chân lý chừng nào nó cho không: nhìn không mất tiền, viết không, cho không.


— Nếu được thế thì tốt.


— Tôi cứ đi, cứ nghĩ. Tôi nhìn thấy Xu-vô-rốp đứng, lấy lá chắn che cho ngai vàng của hoàng đế và ngọc miện hoàn toàn xa lạ của giáo hoàng. Tôi lại ra bờ sông. Người đó vẫn chưa đi. Mặt trời đã lên sau lưng ông ta, những nếp nhăn vẫn không thay đổi. Ông ta không nhìn thấy đêm. Không thể nói là người ấy hoàn toàn không có cảm giác; không — hơi lạnh ban mai khiến ông ta ghì chặt khuỷu tay vào mình. Tôi đi qua bên cạnh. Môi ông ta như khô lại, dính vào nhau vì lâu không nói. Ông ta như già đi đến mười tuổi; nhưng dầu sao tôi vẫn đoán rằng đó là người có tính cách mạnh mẽ, một khi đã quyết định thì sẽ phá tan mọi trở ngại. Tôi cố nhớ lại trong bức tranh hình ảnh con người đó, và khi vẽ xong tôi cảm thấy yên lòng.


— Nhưng không có giải pháp cho ngày hôm nay.


— Nếu không biết phần tiếp tục.


— Cuốn tiểu thuyết tôi đang viết, tôi cũng không tin chút nào. Tôi chỉ muốn dốc hết thời gian rảnh rỗi để làm việc khác. Tôi muốn viết về Pi-ốt đại đế, nhưng tôi không tin ông ta. Tôi chưa viết được tiểu thuyết về Pi-ốt không phải vì tôi không tôn trọng ông ấy. Tôi sợ toàn bộ cái lịch sử này và không tôn trọng nó.


— Vậy ngài tôn trọng cái gì?


— Thảo nguyên hẻo lánh và những người nông dân cày ruộng, những người ba-xơ-kia mà Hê-rô-đốt có thể viết về họ. Những người nông dân mà lẽ ra Hô-me phải viết về họ, còn tôi thì không đủ sức. Tôi đang học, thậm chí học tiếng Hy-lạp để đọc Hô-me. Hô-me vừa ca, vừa hét, và tất cả đều đúng sự thật. Ở thảo nguyên được thanh thản.


— Còn tiểu thuyết của ngài thì thế nào?


— Tôi không biết. Có một điều chắc chắn: cô ấy sẽ chết — cô ấy trả thù. Cô ấy muốn suy nghĩ về cuộc đời theo cách của mình.


— Nhưng phải suy nghĩ thế nào kia?


— Phải cố sống bằng niềm tin đã được nuôi dưỡng từ thuở lọt lòng, không tự hào vì trí tuệ.


— Tin ở nhà thờ ư?


— Anh trông kìa, bầu trời quang đãng. Trời xanh. Phải tin rằng cái màu xanh ấy là mái vòm chắc chắn.

Đã có 7 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Nhật Linh bi bô...

Ai đổi theme blog của tôi thế?

Unknown bi bô...

Còn ai vào đây nữa chứ? Thử nhìn dưới đáy blog mà xem!

Nhật Linh bi bô...

:) Có phải bác Đào Phò vẫn cay chỗ này quá, nên đổi theme cho nó giống chỗ wordpress kia?

Unknown bi bô...

Linh xem đít blog mới tiếp đi, Linh nhá!

Nhật Linh bi bô...

Don't sulkily refuse to eat, my dear!

Anyway, em thích theme này, trông nó nhã, và thật thoải mái!

Unknown bi bô...

Nó tự co giãn và luôn full theo màn hình và kích thước browser đấy!

Phi Long bi bô...

Đào Phò đúng là Đào Phò!

Anh vẫn để tâm tìm một cái mẫu fluid, mà mãi chưa có cái nào vừa ý. Đào Phò sửa cái này quả là xuất sắc!

Ps: Đào Phò quên mất cái Favicon của mình, anh vừa thêm vào đấy.

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...