Động cơ vĩnh cửu (11)

Nếu ở thời điểm này bỗng nhiên có ai hỏi tôi về người mà tôi thích nhất, kiểu gì tôi cũng nói đấy là Đào Phò.


Và chuyện đấy hoàn toàn không có nghĩa là nó là người mà tôi thích nhất. Tôi hiểu như thế, và nó, — vì là cái người mà tôi sẽ nói đến ở trên, — cũng hiểu như thế, và hiểu là tôi cũng hiểu là nó hiểu như thế.


Nhưng còn chuyện vì sao chuyện này lại như thế, nếu như có ai trong chúng tôi hiểu, thì chắc chỉ có nó, còn tôi thì không. Tôi chỉ biết chắc là sẽ thế, còn như bây giờ thì tôi vẫn không hiểu tại sao lại thế. Vẫn có những chuyện như thế. Và những chuyện đó, nó thường giỏi hơn tôi.


Nếu hỏi tôi Đào Phò có thuộc loại rất thông minh không, thì tôi sẽ nhún vai.


Không phải vì tôi thấy nó không “rất thông minh”, mà thật sự tôi không biết trả lời thế nào: vì tôi không biết, — mặc dù với câu hỏi tương tự, thì với một số người khác, tôi vẫn có thể có câu trả lời khẳng định “có — không” được ngay: đấy là những người có cấu trúc tư duy theo kiểu giống tôi. Chuyện này dễ hiểu: nói chung khó dùng thước kẻ để đo thời gian, và khó dùng đồng hồ để đo khoảng cách.


Những gì tôi có thể khẳng định, là đầu óc nó thuộc loại rất sinh động, rất dễ gây ấn tượng và ảnh hưởng lên người khác.


Trước khi chơi với Đào Phò, tư duy của tôi tập trung và vì vậy đơn giản hơn, một chút; và vì vậy sống đơn giản hơn, một chút.


Tôi đã sống phức tạp, đã thích nhiều — nếu không muốn nói là quá nhiều so với tương quan chung — thứ, và cứ thích gì là nhiệt thành tham gia nấy; rồi theo một cách tự động thế nào đấy, những thứ đấy cứ tập trung dần dần lại chỉ còn một số thứ; rồi trong số còn lại đó dần dần hình thành thứ tự ưu tiên. Tôi cứ lẳng lặng theo dõi chúng, thấy quá trình này hợp lý, và tôi thấy yên tâm.


Nhưng Đào Phò xuất hiện, và dần dần, tôi ngờ ngợ nhận ra là hình như tôi bắt đầu lại băn khoăn ngược trở lại với một số thứ đã từng rơi rụng trước đây. Được cái, có lẽ cái quá trình mà tôi đã trải qua khi đó đã đúng là hợp lý thật, cho nên chuyện này cũng chỉ dừng ở đấy, và thật sự thì cho đến giờ vẫn chưa có gì được “hồi” lại hơn mức hơi băn khoăn, rồi thôi. Chuyện này càng làm tôi phấn khởi; chỉ hơi lăn tăn, là không hiểu nó có biết là tôi như thế không? — Không phải là tôi ngượng nếu nó biết, mà là tò mò về mức độ tinh ý của nó. Như tôi đã nói, nó sinh động lắm.


Tuy nhiên, tôi cũng đã nói: nó dễ gây ảnh hưởng, và thứ vật chất đang hình hài nên tôi tại thời điểm này thì chưa phải là xá lị, cho nên tôi vẫn bị ảnh hưởng từ nó theo một cách khác.


Tôi là người làm khoa học và kể từ khi đã “định hình” như vậy thì tôi luôn nghĩ, luôn tin là chỉ có một số người cũng làm những việc theo chiều hướng như thế là có ảnh hưởng nhất đến sự tiến hóa; và dù chẳng bao giờ có thể thành được người như thế, thì tôi cũng vẫn sẽ yên tâm đi theo hướng đấy; — vì đấy là hướng tiến hóa.


Bây giờ tôi vẫn yên tâm, — về phương diện này thì tôi không bị ảnh hưởng gì, — nhưng tôi hiểu là từ lúc nào đó tôi đã tự động cộng thêm vào chỗ những người ảnh hưởng nhất kia thêm một loại nữa, có vẻ như hoàn toàn không giống với các mẫu trước. Những nhận thức kiểu này, với tôi, chưa bao giờ là chuyện nghĩ cho vui, nên tôi đã để ý một cách hết sức cẩn thận.


Một lần Đào Phò đến kéo tôi đi uống rượu, hay như nó vẫn gọi: “đi ầu-ía”. Đi uống với nó cũng thú lắm. Uể oải và dễ chịu, tôi ngồi nghịch tay cái Lan Cải, thỉnh thoảng đưa mấy ngón lên cắn nhè nhẹ — nó sẽ nhăn nhó, xuýt xoa: “Ôi, Tra-li...”, — và nhìn Đào Phò — mi cong chớp chớp, mắt ướt át, mơ màng, nhưng tỉnh queo, mặc dù đã uống tương đối: nó và tôi, cả cái Lan đều uống rất tốt — đang say sưa bá vai bá cổ, kể chuyện cho mấy đứa con gái khác nghe:


“... Ngươi hãy làm một con thuyền lớn bằng gỗ bách; ngươi sẽ làm các phòng trong con thuyền lớn, và sẽ quét nó bên trong và bên ngoài bằng dầu nhựa đen.


Và đây là cách mà ngươi sẽ làm nó: chiều dài của con thuyền lớn sẽ là ba trăm cu-bít, bề rộng của nó năm mươi cu-bít, và chiều cao của nó ba mươi cu-bít.


Ngươi sẽ làm một cửa sổ cho con thuyền lớn, và ở khoảng cách một cu-bít ngươi sẽ hoàn thành nó ở phía trên; và cánh cửa của chiếc thuyền lớn ngươi sẽ bố trí ở bên cạnh của nó; cùng với tầng trệt, tầng thứ hai, và tầng thứ ba ngươi sẽ làm nó...”


Là Nạn Hồng Thủy, Nô-ê, chương 6, quyển đầu, Cựu Ước. Tôi nói chuyện thì biết là nó hầu như chưa hề nghiên cứu Kinh Thánh, nhưng nói về đọc Kinh Thánh, nhớ Kinh Thánh, và cóp-bết trúng chỗ, thì quả thật tôi chưa hề gặp ai như nó. Bản thân tôi, hồi còn đi học, với những môn mà mình không quan tâm mấy, tôi vẫn đi thi theo kiểu đọc nhanh, ghi nhớ nhanh — và máy móc, — vào thời điểm sát nút — thường là đêm trước hôm thi, — rồi ào đến phòng thi, thi nhanh — trong lúc chưa kịp quên, — rồi quên nhanh, quên sạch. Tôi là người Việt Nam, cho nên việc học gạo với tôi không phải là rất quen, mà là một sở trường. Nhưng Kinh Thánh, tức là cả hơn hai nghìn trang, cổ văn Anh ngữ... chuyện này nghĩ thế nào cũng khó hình dung!


Nó còn kể nhiều cho bọn con gái nghe, nhưng hôm ấy, về nhà rồi, không hiểu sao ý nghĩ của tôi cứ níu mãi lấy Nạn Hồng Thủy. Rồi tôi hiểu, chuyện đấy liên quan đến thứ mà tôi vẫn xếp ở đó “để lăn tăn tiếp” — và với thứ tự ưu tiên cao.


Nếu bây giờ Chúa hiện ra và bảo tôi phải đóng một chiếc tàu to thì sao?


Tôi sẽ không đóng.


Tôi biết chắc thế.


Loại người như tôi, chăm thì cũng ít ai bằng, mà lười thì cũng vào hàng thiên hạ đệ nhất.


Nếu bây giờ Chúa bảo tôi là cái khoa học mà tôi đang nghiên cứu, đến cái thời điểm đấy, thời điểm đấy... mà không ra, thì sẽ Nạn Hồng Thủy; thì chả cần hình dung cũng biết tôi sẽ là người quên ăn quên ngủ đến đâu.


Nhưng đóng một cái tàu...


Sao Chúa không kiếm mấy thằng Hàn Quốc?


Những người mặt nạc, đóm dày,

Mo nang trôi sấp, biết ngày nào khôn?

Những người ti hí mắt lươn,

Giai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.


Giống người mặt nạc đóm dày ti hí mắt lươn ấy, cho nó tí tiền, bảo nó đi bắn thuê giết thuê nó cũng hùng hục đi ngay, nữa là đóng một cái tàu.


Chứ như tôi... tôi bất giác xòe hai bàn tay, xoay qua, xoay lại, ngắm nghía:


Thông minh, học giỏi, anh tài,

Ngón nhỏ mà dài tựa đọt hành non.


Mà lại đi hì hục đóng một cái tàu?..


Khồng, kiểu gì tôi cũng sẽ không đóng, ngại lắm.


Tôi sẽ bơi cùng với những người khác; tôi bơi giỏi, không hiểu sao tôi lại nghĩ luôn, một cách chắc chắn, là tôi sẽ bơi cùng Đào Phò, và chắc tôi sẽ đỡ thêm vài đứa con gái yếu — nó thì vài đứa con gái xinh, — cho đến lúc chìm hết, chìm đàng hoàng.


Còn khoa học dang dở?


Lần này, chỗ này, coi như ít duyên; còn duyên thì sẽ còn lần khác, chỗ khác, — tôi luôn tin, đến mức giống như biết, là có luân hồi.


Còn nếu Chúa bảo Đào Phò đóng tàu?


Nó sẽ không đóng.


Tôi biết chắc thế.


Nhưng để có một cái tàu, thì ngoài cách tự đóng, còn có thể đi xin, có thể ăn cắp, ăn cướp, có thể tìm cách mua bán, đổi chác. Đào Phò, nó có thể sử dụng tất cả mọi cách — chỉ trừ tự đóng — để có một cái tàu.


Nhưng tàu đấy, tất nhiên, không phải tàu theo mẫu Chúa bảo.


Không sao, nó sẽ say mê tút cái tàu ăn xin ăn cắp ăn cướp mua bán đổi chác ấy — như đã tút ô-tô của nó — cho đến bao giờ thành đúng như cái Chúa muốn thì thôi.


Tai quặp về trước, bủm tròn,

Không cháu tể tướng, cũng con anh tài.


Quả thật, nếu thật tâm muốn loài người tiếp tục tiến hóa, thì trong trường hợp này Chúa sẽ chọn một thằng như thế: cứ nhìn hai cái tai bủm tròn của nó mà xem.


Thậm chí, tôi tin luôn, là nếu Chúa quyết định thận trọng hơn — không biết Chúa thì có cần phải thận trọng theo kiểu chúng ta thế không, và chọn ra một số ứng cử viên đóng tàu, trước khi chọn một. Thì rốt cuộc Ngài cũng sẽ vẫn chọn Đào Phò.


Vì nếu để Đào Phò ở trong một thành phố bị phong tỏa — kiểu Lê-nin-grát, hay ở trên một con tàu đắm — kiểu Pô-dê-đông hay Tai-ta-ních, thì dù có chết hết và biết chắc là sẽ chết hết, kiểu gì một thằng yêu bánh trôi bánh chay không phải vì bánh trôi bánh chay mà vì câu chuyện về Tết Hàn Thực như nó cũng vẫn sẽ trở thành một chỗ dựa cuối cùng cho nhiều những người khác. Nó sẽ như thế, và hoàn toàn không phải vì bản tính nó tốt đẹp cao thượng hiền lương... gì cả. Không có gì giống như vậy cả. Chỉ đơn giản, là ở trong “cái tôi phò phạch” của nó luôn có một thứ gì đó, trong mọi hoàn cảnh, ở mọi chỗ, mọi lúc, luôn ép nó phải cố làm cho được những thứ “hay ho” hơn so với chung quanh. Một hảo hán ở trên boong Pô-dê-đông, trong trường hợp này, cũng hoàn toàn không khác gì với một giọng ca đỉnh ở trong buồng ka-ra-ô-kê — nếu như nó buộc phải đi hát ka-ra-ô-kê: một thứ mà nó vốn ghét cay ghét đắng và mỗi lần nhắc đến vẫn thường lầm bầm chửi “giải phản Nô-ben dành cho lũ lợn tự mổ bụng”.


Nếu tàu đắm, những người khác — biết xuồng không đủ cho tất cả — tranh nhau chỗ trên xuồng để chạy, và nó cứ ở lại — vì thấy như thế “hay ho” hơn, và có ai đó — nói chung là gái — sẽ bảo nó cái gì đó kiểu: “Một cánh én không làm nổi mùa xuân”, nó sẽ nghênh ngáo nhìn người ta, bảo: “Xuân thì đến hẹn lại lên, có đ’ gì hay? Một con én to, thì khác, nhá!”


Buổi sáng, sớm tinh mơ — hôm ấy chắc còn sớm hơn cả sớm tinh mơ thông thường, vẫn là sớm so với nhiều người khác, của tôi, — tôi ngủ dậy thì đã thấy nó ngồi trong phòng khách — bọn nó đều có chìa khóa và vẫn ra vào nhà tôi như chủ nhân, người nhà cũng quen cả và đã quen như thế, lại cũng đều quý chúng nó lắm, vì chúng đều cởi mở và khiêm nhường, — hốc hác, xộc xệch, có thể nói là bẩn thỉu, và thơm phức... — tôi biết thằng này càng bẩn thì càng xịt nhiều chất thơm, tiếng hát át tiếng bom, — nhưng tỉnh queo, và ổn định: đang chăm chú tính toán cái gì đó trên giấy, như đã ngồi “nghiên cứu” như thế suốt từ đêm hôm qua...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...