Động cơ vĩnh cửu (4)

Trừ phi là đú đởn tập tành, bất đắc dĩ lắm, còn thì tôi không biết nghe nhạc bằng tai nghe; sao đó, tôi không thể nào thích ứng được với chuyện bịt tai lại để nghe nhạc. Cho nên nếu phải đi đâu xa khỏi chỗ có nhạc của tôi, tôi vẫn phải - nói chung tùy theo chủ đề đi - mang theo một ít đĩa CD, để nghe bằng máy nghe nhạc và loa, nếu như có máy có loa, còn nếu không thì thôi, chịu không nghe vậy. Loa thì tôi cũng chỉ biết nghe loa xtê-rê-ô, chứ không biết nghe các dàn hiện đại được gọi là 5.1, 7.1... gì đấy. Nghe cái đấy mặc dù không phải bịt tai, nhưng cứ nghe được một tí, tai tôi nó lại bị ong ong, ù ào, kiểu như tôi thì không, nhưng nó - tai tôi - thì đang bị cảm sốt nhức đầu thế nào đấy; hiệu ứng này cũng giống như lúc tôi nghe tiếng đàn oóc điện tử nhiều. Về chuyện này các bạn gái chơi với tôi, nhất là các bạn mà ít tuổi vẫn thường chỉ trích nặng nề, hoặc cáu gắt, hay thậm chí mắng tôi là lạc hậu, nhà quê, cổ hủ... Tôi toàn phải cắn răng chịu, không thể mà cãi được. Anh-xtanh lão tiền bối ngoài công thức vĩ đại e = mc2 từng viết một công thức khác: x là làm việc, y là chơi, z là giữ mồm nói ít thôi, A = x + y + z, A là kết quả trong cuộc đời. Những lúc bị nhục mạ mắng mỏ như thế, tôi luôn phải gắng nghĩ đến “dét”.


Hôm ấy không “dét”, đẹp trời. Nàng đi dạy. Tôi yêu thiên nhiên, yêu lắm, nhưng với một tình yêu kiểu thiết tha, sâu sắc, ấp ủ trong lòng, chứ ít khi nhiệt tình biểu hiện bằng cách phơi nắng phơi gió. Nhưng tôi tìm thấy trong buồng ngủ một cái máy nghe nhạc xách tay, có ổ CD khép mở trên nắp, còn dàn tiếng ở phòng khách thì có bộ dạng hình như là 5.1, và đĩa của nàng thì tràn ngập ka-ra-ô-pê-ra và Đàm Hưng, nhiều Đàm Hưng quá đến nỗi tôi có cảm giác khăn khố của con này sẽ dính vào nhạc đang nghe thế nào đấy, cho nên tôi xách cái máy nhạc ra sân, kê cái chõng tre dưới bóng râm gốc cây phượng vĩ, xách thêm cái điếu cày và gói thuốc lào - cả hai tôi đều mới tự mua để tập hút, bây giờ tôi đã hút được, không bị say thuốc ngã đập đầu xuống thềm như hôm đầu tiên; thêm một hộp kem ca-ra-men Kim Yến Hàng Than lấy trong tủ lạnh, thêm lọ kẹo lạc, thêm ấm nước vối có cả cái ủ nóng, thêm một quyển sách có tên lạ lạ lúc đấy tôi nghĩ chắc là trinh thám ly kỳ mạo hiểm “Người mặt nạ đen ở nước An-giép” tôi tìm được trên giá sách; xong rồi tôi ngồi trên chõng tre, đầu tiên chén hết Kim Yến, xong rồi uống nước, ăn kẹo, đọc sách, thỉnh thoảng bắn điếu thuốc lào, và nghe nhạc.


Trời có nắng nóng, và không khí đặc và ướt - tôi ở tây nhiều, ở đấy không khí loãng hẳn hơn, nên nếu ở nhà chưa đủ thời lượng để thích ứng thân thể thì tôi luôn có cảm giác sờ được không khí ở nhà; nóng và ướt như vậy, thật không còn gì tương ứng hơn với tiếng tây ban cầm, mà phải là tây ban cầm chơi đúng những nét nhạc chính thống của nó; cho nên lúc đầu tôi say sưa nghe Narciso Yepes chơi “Những kỷ niệm về Alhambra”, rồi “Trò chơi bị cấm” - tức là bản Ếch-chan-tơ bất hủ, rồi đến lúc “Khúc tùy hứng Ả-rập” vừa bắt đầu, thì đồng thời cũng là lúc tôi vỡ ra là “Người mặt nạ đen ở nước An-giép” hóa ra không phải là truyện trinh thám; lúc đấy theo phản xạ cảm thán, tôi ngửng nhìn lên trời, thì bỗng chợt thấy lòng mình như mở rộng ra đến mức phấp phới, chới với... khi nhìn thấy những tán lá phượng xanh ngát bị gió thổi bời bời trong nắng sáng tươi và trên nền trời xanh ngăn ngắt trong veo veo sâu thăm thẳm ở trên đầu...


Tôi vội vàng và lập cập, gió máy bời bời, lá phượng nhao nhao bất khuất thế này... tôi vội cho Narciso Yepes ra, và cho ngay Giao hưởng số Ba cung Mi giáng trưởng vào. Đúng rồi, “Eroica” - Giao hưởng Anh hùng; “Xoàng, xoàng... tè te tè tẻ tè te té tè te tè... tia ria tia ria tia ria...” - lá phượng đâu, nhao nữa lên các em...


Ngày xửa ngày xưa ở nước Đức nọ có một anh rất có chí khí và biết đánh đàn dương cầm giỏi không thể tả. Anh hay để một mái tóc xõa hơi lượn sóng dài ngang tầm má và hơi xòe ra trông in hệt tóc con gái. Anh đã rất khâm phục những tư tưởng của cuộc cách mạng Pháp, và trong con mắt anh, anh Nã Phá Luân đã giống như một hiện thân của những tư tưởng đó. Và anh đã muốn dành tặng bản giao hưởng này - bản mà tôi đang nghe - cho anh Nã Phá Luân đấy.


Quý nhau thì tặng nhau thôi, chứ còn, vào thời điểm đó, nếu đồng ý dành tặng bản này cho một vị Hoàng thân tên là Franz Joseph Maximillian Lobkowitz, thì anh sẽ nhận được một khoản tiền thù lao lớn, có khi phải lớn bằng cả một ước mơ của một người lao động chân tay mặc dù cũng dùng bàn phím.


Nhưng anh thì không phải là một người lao động chân tay bằng bàn phím. Và anh vẫn dành bản này để tặng anh Nã Phá Luân.


"Không chỉ riêng tôi, mà nhiều bạn bè gần gũi của anh, đã nhìn thấy bản giao hưởng này trên bàn anh, được viết tay rất đẹp, với từ "Bô-na-pác" được ghi ở trên cùng của trang tiêu đề và "Lút-vích Van Bết-thô-ven" ở dưới cùng... Tôi là người đầu tiên nói với anh tin Bô-na-pác đã tự phong Hoàng Đế, ngay lập tức anh đã bùng nổ vào một cơn thịnh nộ và đã la lên: "Thế là anh ta cũng không hơn gì một kẻ tầm thường! Bây giờ, cũng thế, anh ta sẽ giẫm lên dưới chân tất cả các quyền của con người, và chỉ theo đuổi tham vọng của mình; bây giờ anh ta sẽ nghĩ rằng mình là cao hơn tất cả mọi người, và trở thành một tên bạo chúa!" Anh đã đến bên bàn, chộp lấy đầu trang tiêu đề, xé toạc nó ra làm đôi và ném xuống sàn..."


Ries Ferdinand, người trợ lý của anh sau này đã kể lại như vậy.


Thất vọng, anh đặt tên bản giao hưởng là: “Sinfonia eroica, composta per festeggiare il sovvenire d'un grand'uomo”: “Giao hưởng anh hùng, sáng tác để tưởng nhớ về một con người vĩ đại” - tiếng Ý.


Những tán lá phượng xanh ngất ngây của tôi đang hùng dũng phấp phới trong âm nhạc “Eroica” cao trào... thì “Xoàng!.. Xoàng! Xoàng!” - Ba phát dứt điểm. Rồi âm nhạc ngưng bặt.


Tôi tái mặt, tự nhiên tôi thấy nền trời sẫm xịt lại, những lá phượng lả tả, rõa rượi, rụng đến nơi, rồi hoa học trò tươi đỏ rực trời bỗng kết quả thật nhanh, rồi những quả phượng thè lè xuống thành “lưỡi núc nác”...


“Tà tà tà tá ta tà ta ta tá tà...” Đàn viêu lông chơi những nốt thấp, trên nền u uẩn rầu rĩ của những đàn viêu lông khác, đàn viêu la, và đàn xen lô.


Sau này, khi Nã Phá Luân ăn bẩn, bị ung thư dạ dày và đau bụng chết ở Saint Helena năm 1821, anh người Đức vẫn xót xa: “Tôi đã viết nhạc cho sự kiện buồn này từ mười bảy năm trước”...


Ý anh muốn nói đến "Marcia funebre": "Hành khúc đám ma" - phần thứ hai của bản giao hưởng “Eroica” - tiếng Ý.


Thời sinh viên đú đởn, tôi từng tập tọe chơi ghi-ta-bát bốn dây; lúc đầu thực ra chỉ vì thấy nó có cái cần dài hơn ghi-ta thường, nếu cầm đứng trên sân khấu trông nó nghênh ngang hơn, có vẻ dễ lấy điểm với gái; nhưng rồi tôi hiểu là cái ghi-ta này dễ gây nghiện hơn cái ghi-ta kia. Và từ đấy, tiếng đàn ghi-ta-bát quyến rũ luôn lẩn mẩn ở trong tôi. Thêm nữa, tôi còn nghiệm thấy có nhiều thứ khác cũng hay có cùng một tính chất hay ho như thế: bắt đầu với một nguyên nhân thấp hèn, và kết thúc với một kết quả cao quý.


Nhưng người anh hùng chết mà nhạc cho đám ma đã được viết cho từ mười bảy năm trước thì quả thực là thê thảm...


Như đã nói, về sau giống như một thói nghiện, lúc nghe nhạc, tự nhiên tôi luôn chăm chú nghe phần nốt trầm - tiếng đàn bát. Mà tiếng đàn xen lô - viêu lông bát - ở đoạn bắt đầu “đám ma” này, dù tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần, mà mỗi lần nghe lại, vẫn có cảm nhận ghê ghê mới. Có những cánh cửa to lớn, nặng nề, tăm tối nào đó mở ra... có tiếng những chiếc cánh to lớn, nặng nề, tăm tối nào đó vỗ xuống... có những âm thanh to lớn, nặng nề, tăm tối nào đó vẳng lại từ một cõi to lớn, nặng nề, tăm tối nào...


Cảnh thế thật là oái oăm quá!


Sao lại đúng là bản này? Sao lại đúng chỗ đang cao trào thì xuống sề thế này?


Não lòng quá...


Đến lúc cũng giai điệu “Tà tà tà tá ta tà ta ta tá tà...” ấy được kèn ô-boa khóc bổng lên một quãng tám, trên nền thở than âm u của kèn cờ-la-ri-nét và kèn pha-gốt... thì tôi bỗng thấy mình sụt sịt, rồi, không hiểu đấy có phải là khóc không nữa, nhưng nước mắt tôi cứ thế phè ra te tua...


Đúng lúc ấy, tôi nghe bên tai có tiếng người:


- Chào bác!.. Bác đang nghiên cứu?..


(Còn tiếp)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...