Thiên tượng (13)

Mặt trời chói lọi ở ngoài kia, anh vừa lấy tay che mắt, vừa nheo nheo, bước ra. Ở ngay chỗ đầu con đường dẫn vào bãi trống rộng, cỏ, đá lởm chởm trước hang, đã thấy chú Văn đứng đấy cùng với Dương Trung. Lúc anh lại gần còn cách một đoạn, chú Văn vỗ hai cánh tay như vỗ cánh, nhún vai, xịu môi, vẻ mặt như người có lỗi. Thằng bé Dương Trung, trái lại, hình như chả để ý gì đến anh, mắt nó đang nhóng lên nhìn “vòng qua” anh.

Anh vỗ vai chú Văn: “Không sao, mình sẽ chờ bằng được. Đêm qua mưa to. Ít ra cũng xuya là lều xịn không hề bị dột hay là ngấm từ đáy. À… cháu nghĩ mấy cái đèn pin…”

- Sao rồi? - Dương Trung cất tiếng lanh lảnh, răng thỏ lại phô ra.

- Ngủ say tít, chả sợ gì cả. À, thở được, nhưng hơi oi. - Cô đã gần đến đằng sau.

- Sao, sao lại ngủ say tít?

- Ngủ say tít, chứ còn sao?

- Có thấy khỏe khoắn ra tí…

Hình như thằng bé bây giờ đã nhìn và nhận thấy anh đang ngạc nhiên, nên nó ngừng giữa chừng, quay lại, theo hướng anh đang nhìn chăm chú ra phía sau hai chú cháu. Trên con đường, có một đám người ăn mặc lôi thôi, đang kéo đến.

- Chú ơi … - Anh ái ngại.

- À… họ kéo đến từ đêm hôm qua, hình như có ai đấy đã nhận ra chú, lúc mình đang đến đây. Họ… chú nghĩ là…

Những người kia đã tiến lại gần, đứng dàn ra, cách một quãng hơi xa về phía sau. Anh thở phào: “Ừ họ giống mình.” rồi hướng về phía những người mới tới, giơ tay, vui vẻ nói to:

- Em đang thử lều chịu lực, mà chưa có Rồng.

Đằng kia có xì xào một tí nhưng không nghe rõ ai nói gì, chỉ có mấy cánh tay giơ lên, rồi những người ở đấy lại quay lưng, lục tục kéo nhau quay trở lại.

Mặc đẹp thì hơn mặc xấu.

Đấy là nói đơn thuần từ quan điểm “Mặc”. “Hơn” ở đây cụ thể là hơn về “Mặc”. Nếu không đơn thuần thế, thì sẽ rắc rối hơn. Cũng tương tự như khi nói gái xinh thì hơn gái xấu. Đấy cũng là thuần túy từ quan điểm “Gái”. Còn nếu chuyện đang được đề cập lại là chuyện “thi vào đại học” chẳng hạn, thì sẽ rắc rối hơn.

Ví dụ tổng quát hơn một chút, trong lĩnh vực Khoa Học Điện Toán chẳng hạn, có một thời kỳ, những người ăn mặc đẹp, đồng phục: quần âu đo cắt, sơ mi, cà vạt, com-lê, nhiều khi cả bờ-lu trắng, và thường là đeo một cái dây, thường là dây màu xanh dương, vòng qua cổ, đầu dây có gắn một tấm mi-ca hình chữ nhật, trong đấy ghi tên người đeo, có thể có ảnh, và một số mô tả gì đó, kể cả có cà vạt rồi cũng vẫn đeo dây này, đã làm ra một số những chiếc máy tính rất to, xong rồi ngồi ị ra trong những phòng máy lạnh và cùng nhau hỉ hả về thành quả máy to. Trong khi đó, ở ngoài đường, có những anh chàng ăn mặc lôi thôi, râu tóc lởm chởm thi thoảng lại loay hoay tụ tập, lúc thì trong nhà xe, lúc thì trong giảng đường bỏ trống ban đêm của một trường đại học nào đó, hoặc là cắm lều rồi tụ tập luôn trên bãi cỏ, rồi bàn tán, mang đến cho nhau xem những bảng mạch thô sơ tự làm, dây dợ lòng thòng, linh kiện, bản vẽ, dự định, thỉnh thoảng là một số “cục” thành quả gì đó, những cục đó có thể có dạng hộp nhựa, bịch các tông, thùng gỗ… Và để có cái để mang đến khoe với các bạn, thì vào những lúc không tụ tập khoe hàng, họ người thì cặm cụi trong nhà để xe của bố, người khác thì loay hoay trong nhà bếp của mẹ, những người mà đang cùng học đại học thì túm năm tụm ba khuya sớm trong các phòng ký túc xá, tóm lại gần như là ở bất kỳ chỗ nào mà họ có thể ngồi yên đấy, thức đêm thức hôm, và tập trung mầy mò… rồi trong lúc mầy mò, thỉnh thoảng lại có người gây tai nạn cháy, nổ ở chỗ này, chỗ khác, may mà cũng chỉ toàn là những tai nạn nho nhỏ. Và rồi chả hiểu cô thương thế quái nào, bụp phát, họ làm ra máy tính cá nhân: phần cứng và phần mềm; và cái này đã thay đổi toàn diện cả bộ mặt của nền Khoa Học Điện Toán.

Cho nên nếu chuyện cụ thể đang bàn là “bộ mặt của nền Khoa Học Điện Toán”, thì đám người râu tóc bờm xờm, quần áo lôi thôi, nói chung là ít tắm giặt kia, vào thời kỳ đấy, rõ ràng là “Hơn” những người đồng phục nước hoa phòng máy lạnh đeo mi-ca chữ nhật kia.

Tất nhiên, nếu đám lôi thôi cũng chịu khó tắm rửa, hớt tóc, cạo râu, diện đồ hiệu, và xịt nước hoa, và vẫn thay đổi được bộ mặt kia, thì sẽ hơn. Nhưng nếu không được như thế, thì chuyện đấy cũng không phải là chuyện đáng để phải phàn nàn lắm.

Tại vì họ ăn mặc lôi thôi, nhưng trong vấn đề đang được xem xét, thì họ có lý do chính đáng. Nếu như có lý do chính đáng, thì một số, hay thậm chí là nhiều thiếu xót cũng dễ có thể thể tất.

Chúng ta có thể nhìn một cô gái, và nhận xét: “Con kia ăn mặc như một con điếm!”

Đấy là một lời phê phán tương đối nặng nề. Nhưng nếu “con kia”, với một bộ phận có sẵn trên cơ thể, chuyên nghề nằm xuống, và dạng chân ra, tức là đúng là một “con điếm” thật, thì đấy hoàn toàn lại có thể coi như một lời khen.

Chúng ta có thể nhìn một chàng trai, và nhận xét: “Thằng kia ăn mặc như một thằng Bo-ma-lô!”

Đấy là một lời phê phán tương đối nặng nề. Nhưng nếu “thằng kia”, với một cái đầu biết suy nghĩ giản đơn - một bộ phận có sẵn trên cơ thể, chuyên nghề ngồi xuống, và gõ bàn phím, tức là đúng là một “thằng Bo-ma-lô” thật, thì đấy hoàn toàn lại có thể coi như một lời khen.

Xã hội nào cũng có điếm, có thể nói trên khắp các nẻo đường tươi đẹp của tổ quốc ta hay bất kỳ tổ quốc nào, đâu đâu cũng có thể gặp điếm. Nghề điếm, một trong những nghề, mà có khi chính là nghề, có truyền thống lâu đời nhất trong lịch sử loài người, mặc dù bây giờ nói chung không được coi là một nghề hợp pháp, nhưng vẫn luôn tồn tại, song hành, nếu không song hành thì là do giải thể các nghề khác, với các nghề khác. Tồn tại, bị cấm, và, vì thế, bị hạn chế. Và như thế nhìn chung cũng không sao.

Nhưng nếu bây giờ, giả dụ, vào một ngày đẹp, hay là không đẹp, trời, nghề lâu đời này, ở đâu đó, được hợp pháp hóa, cũng như nghề “Bo-ma-lô”, và như mọi nghề hợp pháp khác, đến một lúc nào đấy, theo các công thức xúc tiến mà các nhà thị trường có bằng cấp hẳn hoi, bằng cấp ở đâu không quan trọng, vẫn mê say áp dụng với tất cả các ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ, từ nước rửa bồn cầu, nước rửa cái chị em dùng để làm cho bồn cầu phải rửa, đến mì ăn liền, nước mắm, thuốc nách, cho đến trà thảo mộc, băng vệ sinh có cánh, điện thoại di động, bỉm, tải nhạc chuông… nó cũng sẽ được công khai quảng cáo và pi-a một cách rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì liệu nó có còn “nhìn chung cũng không sao” nữa hay không?

Sẽ thế nào nếu như đến lúc thế hệ sau lớn lên, vào một buổi sáng chủ nhật tươi hồng, có một cô bé học trò phổ thông ngây thơ xinh xắn, trò giỏi con ngoan hẳn hoi, còn hơi ngái ngủ, đứng lặng trước gương, phục trang, trang điểm, trang sức y như một “con điếm”, rồi vào bếp rán trứng chuẩn bị bữa sáng? Mải suy nghĩ vẩn vơ như mọi thiếu nữ mới lớn, cô bé lỡ làm cháy mất một quả trứng. Cô bèn xé ngay một tờ báo, châm vào lửa ở trên bếp, rồi cầm tờ giấy báo đang cháy khua khoắng xung quanh hông, xung quanh đùi. Ở trên ti-vi, cô vẫn thấy người ta pi-a như thế, bảo là để “đốt vía”.

Có thể lắm chứ. Ti-vi thì ngày nào cũng chiếu, cô thì xem ti-vi từ lúc còn bé. Về phương diện hướng nghiệp, thì cô không định hướng làm nghề đấy, nhưng cô lại thích phục trang, trang điểm, trang sức đấy. Lâu dần, miết, thì chỉ còn lại ý thích đấy thôi, nó độc lập dần, không còn liên quan đến cái nghề liên quan đấy nữa. Có thể lắm chứ.

Lúc đầu phục trang, trang điểm, trang sức đấy nó có lý do là “điếm”. Còn bây giờ nó đã là một thứ độc lập, nó đã thành một tiên đề hẳn hoi. Và tiên đề, thì không cần phải có lý do.

Cho nên sẽ có những người ăn mặc như điếm, lôi thôi, hoặc đồng phục mi-ca chữ nhật mà không cần lý do. Hoàn toàn không cần lý do. Tuyệt đối không cần bất kỳ một lý do nào cả.

Đám người có bộ dạng lôi thôi mà anh nhìn thấy lúc vừa ở Hang Dơi ra, thì là lôi thôi có lý do, có khi ít nhất còn phải hai lý do là khác. Thứ nhất, đây là dã ngoại. Thứ hai, lúc không dã ngoại thì chắc mỗi trong số những người này, có cả nữ, phần lớn thời gian cũng thường kiếm một chỗ nào đấy, rồi “ngồi yên đấy, thức đêm thức hôm, và tập trung mầy mò”, nếu cô thương, có thể cũng sẽ góp phần thay đổi được một bộ mặt nào đó.

Chỗ đấy thường là những viện nghiên cứu, đám này chắc đều là dân khoa học - những khoa học gia ham chơi.

Họ đã dựng thêm hơn chục cái lều du lịch lớn nhỏ xanh đỏ tím vàng loang lổ khác nhau ở trên trảng cỏ dọc theo những thân cây bên bờ suối bắt đầu từ chỗ lều của chú Văn, thêm vài cái ở phía bên kia con đường đất. Đường này giờ ít có người đi, nên mặc dù là không ngang nhiên cắm luôn trại ở giữa đường, nhưng những đồ nghề dã ngoại, nhất là những lò nướng thịt ba-bi-kiu bằng sắt, cái vuông, cái tròn, có chân, vài cái đã bắt đầu bốc khói nghi ngút, thì đã được bày la liệt hết cả ra chả còn kể gì đến đường sá.

Buổi chiều đang xuống từ từ, tranh nắng tranh sáng, chú Văn đã đi tham gia đám nướng thịt ở đằng kia (cầm theo mấy xiên ngô, bảo là cố tình gần thịt để tôi luyện bản lĩnh ăn chay), anh nằm lười nhác trên thảm cỏ phía trước lều “quả trứng”, tay trái chống khuỷu, đỡ lấy đầu, mồm cắn cắn một cọng cỏ gà, nhếch mép cười, ngắm nghía thằng Dương Trung đang nằm sấp trước một tờ giấy mở đặt bên trên quyển sổ bìa cứng, một tay cầm bút, một tay gãi đầu, vừa gãi đầu vừa cắn quản bút.

- Nó cứ thế đếch nào, anh đọc lại đầu bài lần nữa xem nào. - Nó bức xúc.

- Dương Trung chạy nhanh gấp mười lần Rùa. Lúc đầu Dương Trung cách Rùa một quãng A. Lúc Dương Trung chạy hết quãng A thì Rùa đã chạy thêm được quãng một phần mười A. Dương Trung chạy hết quãng một phần mười A thì Rùa đã chạy thêm được quãng một phần trăm A. Dương Trung một phần trăm thì Rùa một phần nghìn. Vân vân. Luôn cách nhau một quãng. Kết luận: Dương Trung không bao giờ đuổi kịp Rùa.

- …

- Ờ… thế mà, hờ hờ, hóa ra không đuổi kịp thật, đấy.

- …

- Xấu hổ quá, cậy lớn bắt nạt trẻ con. - Anh vẫn nằm nguyên tư thế, hơi ngoảnh cổ lại, khó nhìn, nên anh chìa bàn tay phải ra, cô, đã đến ngồi ngay bên cạnh đấy, ở phía đằng sau, đặt bàn tay mềm mềm vào tay anh.

- Anh tưởng em đi soi gương ở suối? - Anh đã nhổ cỏ gà, giờ cắn cắn mấy ngón tay cô, hơi thót người, vì bị véo ở đằng sau. - Chịu chưa Trung, chịu rồi thì bảo chị Linh chỉ điểm cho.

Thằng Trung có vẻ bướng, còn vò đầu bứt tai, cắn bút thêm một lúc nữa, rồi mới đập đập hai chân lên cỏ, cầu cứu cô. Cô bảo nó:

- Một phần mười, một phần trăm, một phần nghìn… cứ chia mãi như thế, đến một lúc nó quá bé, em làm sao “cắt” ra được một đoạn?

- Thì cứ hình dung là cắt mười, một đoạn nào đấy… đoạn nào chả được?

- Đã không cắt được đoạn nào, thì làm sao mà “đoạn nào chả được”?

- Nhưng… cứ đặt đoạn đấy là A phẩy chẳng hạn, rồi làm phép chia thôi.

- Đã không có làm sao đặt tên.

- Đã đặt tên… từ lúc nó còn to, rồi cứ làm phép chia và… đặt tên tiếp…

- Em không thể có cách nào để chia một đoạn thành vô số đoạn được. Nếu em chia được như thế, anh sẽ chỉ cách cộng chúng lại và tính được lúc đuổi kịp cho em. - Không phải giọng anh, không phải giọng cô, một giọng nói nhẹ nhàng, đơn giản, có vẻ vui vui.

Anh vội nhỏm người lên, lúc đấy cả anh và cô đều đang chăm chú vào thằng Trung, nên người kia đã đến đứng ở đằng sau họ từ lúc nào, mà không ai nhận ra, giờ đang tủm tỉm cười, xen vào.

- Anh…

- Duy, - anh Duy véo véo cằm, rồi kiếm chỗ ngồi xuống, bên cạnh thằng Trung, phía gần chân nó, tay anh cầm một tờ giấy đúp giật ra từ vở ô-li, - đây là danh sách, - anh Duy đưa nó cho anh, - tên, địa chỉ, điện thoại, i-meo… những người đăng ký trước để mua lều Hang Dơi.

- Ấy chết, làm sao đã…

- Mua mà, em có cần… thủ tục, hợp đồng, pháp nhân… thế nào đó…

- Mà… mọi người còn chả thèm biết nó bao tiền nữa... Nó, - anh chỉ xung quanh, vào mấy cái lều trại thường, - vật liệu nó hơi… À, vầng, em biết, các bác toàn là… vầng, thế thì làm hết bao nhiêu em sẽ bảo. Có điều…

- …

- Em còn phải vào đấy, - anh chỉ về hướng Hang Dơi, - để chờ Rồng thật xem.

- Riêng cái chuyện em tự vào đấy, là mọi người hoàn toàn tin tưởng rồi. Còn chú Văn nữa. Em có cần đặt cọc…

- Ấy chết, được các bác… tầm như các bác tin, em đâu dám có ý đấy. - Anh nắm lấy bàn tay anh Duy vừa đưa ra. - Ô kê, tất cả mọi người ở đây, - anh giơ tờ giấy, - sẽ có lều xịn.

- Giỏi lắm, Đào Phi.

- Ấy không, em quên chưa bảo, chú Văn với em chỉ hỗ trợ thôi, chủ trì vụ này là anh chàng này. - Anh chỉ Dương Trung, thằng bé lúc đấy đã ngồi dậy.

- Thật á?! - Anh Duy làm một điệu bộ ngạc nhiên lớn, trố mắt ra, - Giàng ơi, - anh lắc lắc đầu, - đúng là anh hùng xuất thiếu niên. - Anh đưa tay ra, nắm tay thằng Trung, lắc lắc, rồi vỗ vai nó, - ai mà nghĩ thế được.

Anh Duy đã trở lại chỗ khói bốc thơm phức ở đằng kia, anh đưa tờ ô-li đúp cho cô: “Em cất cẩn thận dùm anh.” Cô đã gấp cẩn thận tờ giấy, định nhét vào túi áo ngực, nghĩ thế nào, lại bảo: “Để em cất vào trong kia.”, rồi chạy vào trong lều. Thằng Trung từ nãy vẫn nghĩ nghĩ ngợi ngợi, bây giờ nhìn anh:

- Em hình dung vẫn chưa rõ đâu.

- Ừ, để xong vụ này anh nói kỹ lại cho. Mà cái đấy không phải quan trọng nhất. Căn bản, em thấy, mình có thể đọc sách và theo cách trong đấy để giải được phương trình vi phân, tính ra được cái này cái kia hẳn hoi rồi, nhưng ngay cả như thế, vẫn có thể chưa hiểu được bản chất của nó. Về việc học, về sau, em cần lưu ý điểm này…

- Đào Công Tước, anh làm gì ở đây? - Đúng lúc đấy có một giọng nói trong trẻo cất lên. Anh khẽ giật mình, ngoái cổ lại.

Từ phía đằng sau, còn cách một đoạn, có một người đang thong thả đi tới. Một cô gái, không phải, một người đàn bà, vô cùng xinh.

Mái tóc nàng màu nâu sẫm, được bện tết theo cách thế nào đó tương đối phức tạp, theo ngọn tóc hở ra có thể nhìn thấy từ trước mặt mà đánh giá thì dài tới gần nửa lưng, bỏ xõa đằng sau, có một số sợi dài, lòa xòa, rủ xuống từ trước trán, phơ phất phía trước mắt bên phải. Sống mũi thẳng, cặp mắt to được kẻ đậm nét với cái nhìn trong veo, sâu thẳm. Cặp môi đầy đặn, hơi hé mở, tô son sẫm màu. Khuôn mặt trái xoan, cằm nhỏ. Hai cái hoa tai màu trắng bạc, dài tòng teng, sao đó lại rất đồng bộ với hai đầu sợi dây buộc tóc cũng cùng màu đấy, buộc phức tạp ở trên đầu, rồi cùng thả xuống hai bên tai, dài chấm vai. Hai bờ vai trần gây cảm giác là chúng có màu trắng ngà ngà. Nàng mặc một cái chắc có thể gọi một cách gượng gạo được là một cái áo ngắn. Nó có một vòng vải không to, nhiều nếp gấp, vòng quanh cổ, rồi từ chỗ ngay trước chỗ hõm ở gốc cổ phía trước thì xòe xuống dưới một cái như cái yếm, bằng vải dày dặn bóng loáng, màu trắng bạc, mà không phải yếm mướp lòng thòng kiểu Tấm ngày xưa, mà nó bo chặt lấy ngực và thân mình, ngắn cách rốn một đoạn. Cổ tay và các ngón tay nàng cũng đeo những đồ trang sức màu trắng bạc. Quần cùng chất liệu áo, có thể dày hơn chút, có thêm nhiều vân loang lổ màu xám rất nhạt, chìm vào sắc trắng bạc, bó lấy hông, đùi, cẳng chân. Ở dưới là một đôi xăng đan gót cao cùng màu trắng bạc. Đồng bộ.

Nàng đi đến từ phía ấy, nhưng nàng rõ ràng không phải từ hội dã ngoại kia. Anh đã đứng thẳng lên, dang rộng hai tay, cười rạng rỡ:

- Vũ Nương!


(còn nữa)

Đã có 3 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Anonymous bi bô...

Em phê bình bác Long phát. Câu văn "Cũng tương như khi nói gái xinh thì hơn gái xấu." thiếu chữ "tự" nhé. Phần còn lại thì xuya hết!

Mà bác giải thích hay cho em biết xuất xứ của từ "Bo-ma-lô" mới? Anh Gúc bẩu anh í chịu rồi.

Nickname: Người chỉ gặp 11 lần

Phi Long bi bô...

Anh sửa, thêm chữ "tự" rồi đấy.

Bạn đúng là "A True Reader". Từ sau anh sẽ viết cẩn thận hơn.

Bạn đừng nhờ anh Gú kia, nhờ anh Gú nhà mình: "Nhờ Anh Gú Tìm Hộ" ở bên cánh phải ấy.

10xia

ps: Khiếp trên kia bắn nhau kinh quá, 12 chết, 31 bị thương. Nếu còn lỗi bạn cứ list tiếp ra cho anh, mai, kia anh sẽ sửa, hứa đấy, giờ đang thương tâm quá, anh phải đi khóc phát. Hix

Anonymous bi bô...

Em cũng thấy cái từ quen quen mà chả nhớ ra. :)


Nickname: Người chỉ gặp 13 lần

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...